Bình Phước đã đạt những bước tiến đáng kể về CĐS trong công tác cải cách hành chính. Điểm nhấn là giải thưởng chính quyền số xuất sắc ASOCIO năm 2024 không chỉ minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân Bình Phước trong công cuộc CĐS mà còn khẳng định vị thế, cam kết của tỉnh trong việc xây dựng một chính quyền hiện đại, minh bạch, gần gũi với nhân dân.

Gieo “hạt giống” số

Khoảng 3 năm trước, ông Điểu Lích, Trưởng thôn 5, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng đã tự sắm máy tính và điện thoại thông minh để trở thành “trưởng thôn số”. 10 năm làm công việc “vác tù và hàng tổng”, ông Điểu Lích điều hành thôn bằng phương pháp thủ công, ghi chép bằng sổ sách, thì nay quyển sổ và cây bút được thay bằng máy tính và internet.

Cả thôn có 360 hộ với gần 90% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), thế nhưng lợi thế là có đến 80% số hộ dân đã có điện thoại thông minh. Nhà văn hóa thôn cũng được lắp máy vi tính để bàn. Người dân muốn đọc tin tức, nghe thông tin thời sự đều dễ dàng hơn nhờ có hạ tầng viễn thông, mạng lưới internet cáp quang băng thông rộng vào đến tận nhà.

4_10072721012025.jpg
Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Phước tích hợp nhiều dịch vụ trên tất cả lĩnh vực, xây dựng một “chính quyền phục vụ” như mục tiêu của lãnh đạo tỉnh, tạo niềm tin vững chắc cho người dân.

“Đúng là chẳng gì nhanh bằng công nghệ. Khi toàn xã hội CĐS thì buộc mình phải chuyển đổi theo, cái gì không biết thì mình hỏi thanh niên trong thôn. Nhờ tận dụng lợi thế của mạng xã hội để làm kênh tuyên truyền cũng như tiếp nhận ý kiến người dân ở cơ sở mà cán bộ thôn như mình không phải chạy đi chạy lại vất vả. Hiện mình làm rẫy cách nhà hàng chục cây số cũng có thể quản lý thôn rất dễ dàng” - ông Điểu Lích vui vẻ cho hay.

Trong dòng chảy CĐS, Bình Phước đã và đang xây dựng môi trường thuận lợi để hình thành những công dân số. Những cán bộ thôn thời công nghệ số như ông Điểu Lích - cánh tay nối dài của ban chỉ đạo CĐS các cấp - đang chứng minh khả năng thích ứng nhanh với công nghệ nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tại cơ sở. Dù trẻ hay già họ cũng chọn cho bản thân những cách thức khác nhau để bắt nhịp với thời cuộc, từ đó lan tỏa phong trào CĐS đến từng ngõ ngách trong vùng đồng bào DTTS.

Với nhiều người dân Bình Phước, CĐS không còn là chuyện xa lạ mà đã hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày. CĐS giúp người dân thuận tiện rất nhiều trong đời sống cũng như thực hiện các thủ tục hành chính tại cơ quan nhà nước, bệnh viện, trường học... Vì hiện nay, thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh đạt gần 80% với 1.497 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến (trong đó, 1.065 dịch vụ công toàn trình, 328 dịch vụ công một phần) và 1.537 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Anh Phan Hoàng Chánh ở khu phố Bàu Ké, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp để đi nước ngoài. Thay vì đến trung tâm hành chính công, hiện anh có thể tự làm tại nhà. “Sau khi nộp hồ sơ online, tôi có thể tra cứu, theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ, xem và tải phiếu lý lịch tư pháp bản điện tử khi có kết quả xử lý. Điều đặc biệt là dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử đã được lưu trên hệ thống, những lần sau cần tới, tôi không phải kê khai nhiều như trước” - anh Chánh chia sẻ.

Cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình

Năm 2020, Việt Nam khởi động chương trình CĐS quốc gia. Ngay sau đó, năm 2021, Bình Phước ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về CĐS. Tỉnh đã tập trung ngay vào đầu tư phát triển hạ tầng mềm và hạ tầng số như: viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu để đáp ứng yêu cầu kết nối, sử dụng, chia sẻ dữ liệu của chính quyền và người dân, đưa chính quyền số vận hành hoàn toàn dựa trên dữ liệu và công nghệ.

Đến nay, hạ tầng số của tỉnh Bình Phước đồng bộ, hiện đại đã tạo điều kiện quan trọng để tỉnh xây dựng chính quyền số với hệ thống chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính thuận tiện và nhanh chóng. Các nền tảng dùng chung của tỉnh đã đảm bảo liên thông ngang, dọc giữa các cấp, ngành để chia sẻ dữ liệu và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.

*Trong quá trình thực hiện CĐS, quan điểm xuyên suốt của Bình Phước là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của CĐS. CĐS phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn thì chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển_Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước NGUYỄN MINH QUANG.

Hiện thực hóa quan điểm CĐS vì lợi ích của nhân dân, các ban, ngành đã ưu tiên CĐS trong các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm liên quan mật thiết đến người dân như: dân cư, tài nguyên, y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, sản xuất công nghiệp… để phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất. Đó là việc rà soát, cắt giảm các giấy tờ khi đã khai thác được thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; loại bỏ hoàn toàn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, thay vào đó là áp dụng phương thức khai thác thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sử dụng ứng dụng VNeID trong giải quyết thủ tục hành chính, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí khi thực hiện các biểu mẫu kê khai. Tài khoản VNeID có thể thay thế căn cước công dân và nhiều loại giấy tờ khác như giấy phép lái xe, bảo hiểm y tế, đăng ký xe…

*Với 2 dịch vụ công liên thông, 93 dịch vụ công không dùng hồ sơ giấy, 25 dịch vụ công thiết yếu, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai thần tốc đảm bảo liên thông, kết nối dữ liệu của các sở, ngành, địa phương. Trong 3 năm (2022-2024), Đề án 06 đã tiết kiệm ngân sách cho tỉnh khoảng 300 tỷ đồng_ Đại tá NGUYỄN HUY HẢI, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước.

 

6_10133321012025.jpg
Người dân được cán bộ Sở Tư pháp hướng dẫn nộp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Thành tựu về phát triển của Bình Phước trong thời gian qua là sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó bắt nguồn từ những quyết sách mang tính đột phá của tỉnh như Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền khẳng định: Hành trình CĐS của Bình Phước đã gặt hái nhiều thành tựu nổi bật, từ việc triển khai chính quyền điện tử, hệ thống thông tin nguồn Bình Phước, đến phát triển các dịch vụ công trực tuyến và xây dựng cơ sở hạ tầng số đồng bộ đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt mức cao trong khu vực Đông Nam Bộ. Đây là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của các chiến lược CĐS, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tối ưu hóa quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến một Bình Phước ngày càng hiện đại, sẵn sàng hội nhập và bền vững.

Thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được phê duyệt, Bình Phước đang tăng cường kết nối vùng thông qua phát triển hệ thống hạ tầng trọng yếu; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số… Quá trình CĐS của tỉnh đã và đang được triển khai toàn diện, kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc chính là tiền đề để Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương đặt mục tiêu cao hơn đến năm 2030, đưa tỉnh vào top 5 địa phương dẫn đầu về CĐS.

Kỳ vọng với sự lãnh đạo của Đảng mang tính đột phá về cuộc cách mạng CĐS, xây dựng phương thức sản xuất số, cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, công cuộc CĐS tại Bình Phước sẽ lan tỏa mạnh mẽ, tạo thế và lực mới để Bình Phước vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo Ngân Hà (Báo Bình Phước)