“Bình Phước là tỉnh có nhiều thế mạnh để phát triển nông nghiệp. Quá trình sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn đã được thực hiện, qua đó giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người”, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Vinh (gồm Trần Thị Tuyến, Nguyễn Thị Phương Thúy, Nguyễn Thị Liệu) nhấn mạnh.
Một số mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã được nhóm nghiên cứu nghiên cứu phân tích khá cụ thể.
Một là mô hình chăn nuôi lợn - trồng cây công nghiệp. Kết quả khảo sát các mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây công nghiệp theo hướng tuần hoàn của các hộ gia đình tại xã Lộc Phú, huyện Lộc Ninh cho thấy: Vật nuôi chủ yếu là lợn, quy mô khá lớn, quy trình tiên tiến; cây trồng chủ yếu là cây công nghiệp như tiêu, điều, cao su.
Trước kia, theo mô hình chăn nuôi truyền thống, chất thải rắn của vật nuôi được tập kết phía sau chuồng, ủ hoai để làm phân bón, chất thải lỏng ngấm thẳng vào môi trường đất. Hệ thống nuôi này không những gây ô nhiễm không khí, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến các hộ gia đình xung quanh mà còn gây ô nhiễm môi trường đất, nước.
Bây giờ, các hộ chăn nuôi ở Lộc Phú đã ứng dụng kỹ thuật, tiến bộ khoa học để xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ, có giá trị hữu ích, tái sử dụng trong trồng trọt, góp phần bảo vệ môi trường không khí, nước và phục hồi môi trường đất.
Nhờ tận dụng nguồn thải của lợn để làm phân hữu cơ chăm sóc cây trồng, chi phí phân bón giảm được 50%, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Hai là mô hình sản xuất điều theo hướng tuần hoàn. Sản xuất rượu từ quả điều là một trong những phương pháp sản xuất giảm chất thải, tăng hiệu quả kinh tế nhờ việc tận dụng nguồn quả điều tại chỗ để làm rượu. Mô hình này xuất hiện từ sáng tạo của nông dân ở huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Quả điều khi chín mọng, được hái từ cây, rửa sạch và đưa vào ép, ủ lên men và nấu rượu. Như vậy, với quy trình sản xuất rượu này, toàn bộ quả điều đều được đưa vào sản xuất, ít thải ra môi trường.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý hiện trạng, vấn đề xử lí chất thải từ chăn nuôi chưa thực sự cấp bách bởi mức độ ảnh hưởng đến khu dân cư không quá cao; trong khi đó, trồng trọt vẫn đang chú trọng đến gia tăng sản lượng thông qua gia tăng đầu vào, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ. Vì vậy, chưa tạo ra động lực cho người dân khi áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Năng lực của nông dân trong việc tái chế, tái sử dụng phụ nông nghiệp còn hạn chế. Mặc dù đã có nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phụ phẩm trong nông nghiệp như xử lý chất thải chăn nuôi, ủ quả điều, sản xuất rượu điều nhưng số hộ nông dân/doanh nghiệp ứng dụng rất ít. Việc thu gom, phân loại phụ, phế phẩm nông nghiệp cũng như đầu tư cho công nghệ tái chế chưa được quan tâm. Công tác quản lý chất thải trong nông nghiệp chưa được quản lý chặt chẽ, thêm vào đó, việc đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ đối với các cơ sở sản xuất rất hạn chế.
“Các mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở khu vực khảo sát chủ yếu là tự phát, chưa có sự hướng dẫn và tiêu chuẩn, tiêu chí để nhận diện, đánh giá. Ở cấp xã, huyện, tỉnh vẫn chưa có các quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn nói chung, nông nghiệp tuần hoàn nói riêng. Các quy định, chính sách tiêu chí tái sử dụng, điều kiện cấp vốn còn bỏ ngỏ nên rất khó khăn trong triển khai, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế tuần hoàn trong nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Sau khi phân tích hiện trạng, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Bình Phước. Trong đó, đáng chú ý là cần quy hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung, nguyên liệu chăn nuôi, và các sản phẩm được tái chế từ phụ phẩm nông nghiệp phục vụ chăn nuôi trong phạm vi huyện, tỉnh và liên kết vùng.