Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Phước đã được cập nhật 10 chức năng trọng tâm. |
UBND tỉnh Bình Phước vừa chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh, sau 2 tháng vận hành thử nghiệm.
Là một trong 20 dự án, công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, dự án Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Bình Phước do Sở TT&TTphối hợp với VNPT Bình Phước triển khai.
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Phước được trang bị hệ thống máy móc, đi kèm với các ứng dụng hiện đại, phát triển kho tích hợp dữ liệu dùng chung trong tất cả lĩnh vực... được đánh giá sẽ hỗ trợ lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo, đánh giá, phân tích thông tin bằng công nghệ số một cách chính xác, nhanh chóng và hiệu quả.
Bước đầu, Trung tâm được cập nhật 10 chức năng trọng tâm, bao gồm: điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội, hành chính công, giao thông, trật tự đô thị, quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, y tế, giáo dục, du lịch và tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng đến lãnh đạo tỉnh.
Đi vào vận hành chính thức, Trung tâm sẽ giúp lãnh đạo tỉnh Bình Phước có được cái nhìn toàn cảnh về những thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, lĩnh vực... trên phạm vi toàn tỉnh. Điều này góp phần thúc đẩy đổi mới, thực thi công bằng xã hội, tăng cường sự minh bạch trong quản lý, điều hành.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, từ nay tất cả các cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ được cập nhật thường xuyên phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự, theo đúng tinh thần Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020 định hướng đến 2025.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, với 10 chức năng trọng tâm, Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh sẽ là bộ não điều hành kỹ thuật số tổng hợp, là nền tảng cốt lõi cho lộ trình xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh, nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền, cung cấp thông tin, dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Để đảm bảo Trung tâm vận hành thông suốt và hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị nhanh chóng đưa vào vận hành các ứng dụng như Super App, Bình Phước Today, app phục vụ cho lãnh đạo các cấp, hệ thống ứng cứu khẩn cấp EOC (113, 114, 115), hệ thống thông tin tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân trên các lĩnh vực như trật tự đô thị, hành chính công, an ninh - trật tự, tai nạn giao thông, hệ thống thông báo của chính quyền và những hệ thống thông tin khác.
Sở TT&TT Bình Phước được giao cùng các đơn vị tham mưu thành lập tổ phân tích dữ liệu tại Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh; đồng thời báo cáo kết quả phân tích để phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành một cách kịp thời.
Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã của tỉnh có trách nhiệm cập nhật dữ liệu đưa vào Trung tâm điều hành thông minh một cách nhanh chóng. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị căn cứ vào số liệu tại Trung tâm để chỉ đạo, điều hành công khai, khoa học, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng chính quyền điện tử tỉnh.
Đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải tuyên truyền, phổ biến để người dân biết và tích cực tham gia phản ánh thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền yêu cầu: “Trung tâm điều hành thông minh phải đảm bảo mức độ tương tác cao, nhanh chóng trong tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của nhân dân”.
Bình Phước cũng là 1 trong 19 địa phương được Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Tin học hóa hướng dẫn triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh. Chương trình thí điểm này được thực hiện trong năm 2020 gồm thí điểm trung tâm điều hành đô thị thông minh và triển khai thí điểm một số dịch vụ cơ bản như: phản ánh hiện trường, giám sát điều hành giao thông, an ninh trật tự đô thị, giám sát thông tin, môi trường mạng, giám sát an toàn thông tin. Bộ TT&TT dự kiến trong tháng 12/2020 sẽ phối hợp với các địa phương đánh giá kết quả thí điểm để xem xét, đề xuất triển khai cho giai đoạn tiếp theo.
M.T
Phát triển Chính phủ số gắn kết chặt với chuyển đổi số, xây đô thị thông minh
Trong dự thảo Chiến lược phát triển Chính phủ số đến 2025, Bộ TT&TT xác định việc phát triển Chính phủ số gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, chủ quyền số quốc gia.