Hôm 4/7/2017, Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể mang một đầu đạn hạt nhân. Vụ phóng của Triều Tiên được thực hiện đúng vào Ngày Độc lập của Mỹ và trước thềm hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) ở Hamburg (Đức).
Lý giải các hành động của Triều Tiên
Giới chuyên gia Mỹ đã diễn giải các hành động của Triều Tiên theo nhiều cách khác nhau, như:
Bình Nhưỡng muốn thử ông Trump để xem họ có thể đi xa tới đâu.
Triều Tiên cùng với các vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học đang bắt các nước làm “con tin” để đổi lại cơ hội kinh tế cho Triều Tiên.
Triều Tiên đang thử thách sức mạnh của liên minh giữa Mỹ – nước đang ngày càng bị cô lập, chống toàn cầu hóa và mâu thuẫn - với Hàn Quốc – nước vừa có Tổng thống mới Moon Jae-in là người cam kết áp dụng cách tiếp cận mềm dẻo hơn, làm mới “Chính sách ánh dương” (1998-2008) của cựu Tổng thống Kim Dae-jung – và với Nhật Bản – nước dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe đã ngày càng có ý định phát triển các năng lực phòng thủ của riêng mình vốn đang bị giới hạn bởi hiến pháp bất bạo động sau chiến tranh.
Triều Tiên đang khai thác điểm yếu của ông Trump ở nước ngoài, xuất phát từ cam kết của ông là rút nước Mỹ khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu và tập trung vào “Nước Mỹ trên hết”.
Triều Tiên đặt cược vào việc Mỹ tiếp tục bị sa lầy trong các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông.
Triều Tiên đang cố gắng giành lợi thế trước việc quân đội Mỹ bị giảm mạnh ngân sách và giảm quy mô dưới thời ông Obama. Ông Obama đã đề xuất một ngân sách quốc phòng 610 tỷ USD năm 2016, con số này ít hơn nhiều so với 761 tỷ USD dưới thời Tổng thống George W.Bush (2001-2008).
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang cố củng cố chế độ của mình từ bên trong bằng việc “chơi rắn” với một siêu cường và các nước láng giềng, và đánh lạc hướng sự chú ý ra khỏi các vấn đề nội bộ: một nền kinh tế yếu kém và tình trạng thiếu lương thực.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang tên Hwasong-14 của Triều Tiên được phóng từ một địa điểm bí mật ngày 4/7. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Tóm lại, việc các nhân tố này được sử dụng như thế nào sẽ cho thấy các lựa chọn chính sách, từ chiến tranh đến ngoại giao, và có thể báo trước tương lai.
Vương quốc ẩn dật
Những người chỉ trích Triều Tiên luôn coi nước này là một vương quốc ẩn dật vì hoàn toàn bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Kim Il-sung lên nắm quyền năm 1948 cho đến khi chết vào năm 1994 đã tạo ra một văn hóa cá nhân mạnh để nắm quyền kiểm soát đất nước. Văn hóa này mạnh đến mức sau khi ông qua đời, đảng cầm quyền sửa đổi hiến pháp để gọi ông là “Chủ tịch vĩnh viễn của nền cộng hòa”. Khi còn sống, ông chỉ được biết đến như Nhà lãnh đạo Vĩ đại.
Kim Il-sung khẳng định rằng an ninh và ổn định của Triều Tiên sẽ phụ thuộc vào việc tạo ra một sức mạnh quân sự. Con trai của ông là Kim Jong-il (nắm quyền năm 1994-2011) và cháu trai là Kim Jong-un (nắm quyền từ năm 2012 đến nay) đều tiếp tục tích lũy một sức mạnh quân sự quy mô lớn.
Khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên
Triều Tiên đã tích lũy một lực lượng quân sự mạnh với 1,2 triệu binh lính và 8 triệu quân dự bị, khiến họ nằm trong số các lực lượng quân đội hùng hậu nhất trên thế giới. Sự thật không thể phủ nhận là Triều Tiên có nhiều quân hơn cả Mỹ. Triều Tiên cũng đã tích lũy được hàng nghìn xe tăng, pháo, tàu ngầm, máy bay, tên lửa. Triều Tiên còn được cho là đang sở hữu nhiều kho vũ khí hóa học và sinh học.
Ông Kim đã sớm thừa nhận rằng một lực lượng quân đội hùng hậu trong thời hiện đại là chưa đủ. Và từ rất sớm, Triều Tiên đã quyết định phát triển vũ khí hạt nhân, thứ vũ khí mạnh nhất trong chiến tranh. Từ những năm 1950 và 1960, Liên Xô đã hỗ trợ Triều Tiên phát triển năng lực điện hạt nhân. Đây có thể là nền tảng cho chương trình phát triển vũ khí sau này.
Trong khi cơ quan tình báo Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ chỉ có được những thông tin sơ sài về quy mô của chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên (vì họ thường tiến hành bí mật), dường như tên lửa ICBM được thử nghiệm mới đây có thể mang được một đầu đạn hạt nhân tấn công đối thủ.
Cần nói rõ rằng Triều Tiên cũng sở hữu một trong những năng lực tấn công mạng tinh vi nhất. Khi hãng phim hoạt hình Sony Pictures của Nhật Bản định cho ra mắt một bộ phim “The Interview”, một bộ phim hài về ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã buộc Sony phải rút lại bộ phim này khi đưa ra một cuộc mặc cả thông tin (một nhóm tự xưng là #GOP (Guardians of Peace) đã gửi một cảnh báo đến máy tính nhân viên Sony Pictures Entertainment nói rằng "Nếu không nghe lời, chúng tôi sẽ công bố các dữ liệu với toàn thế giới " - ND).
Để bảo vệ chế độ, Triều Tiên đã luôn đòi quyền tự vệ bằng bất cứ cách nào có thể.
Phá vỡ thỏa thuận và trừng phạt
Chính quyền cựu Tổng thống Ronald Reagan (1981-1989) là chính quyền Mỹ đầu tiên nhắm đến Triều Tiên. Năm 1987, Triều Tiên bắn hạ một máy bay dân dụng làm 100 người thiệt mạng nhằm khủng bố thế giới. Ông Reagan đã tuyên bố Triều Tiên là nhà nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố - cái mác đã được treo ở đó suốt 20 năm, cho tới khi ông Obama dỡ xuống vào năm 2008.
Chính quyền cựu Tổng thống George H. W. Bush (1990-1994) là chính quyền đầu tiên bày tỏ lo ngại về nguy cơ “hạt nhân hóa” Bán đảo Triều Tiên. Năm 1991, ông Bush di dời vũ khí hạt nhân khỏi Hàn Quốc, chỉ để lại các lực lượng bộ binh Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Tổng thống Hàn Quốc khi đó Roh Tae Woo tuyên bố Bán đảo Triều Tiên cần phải phi hạt nhân hóa.
Năm 1992 – 1993, các thanh sát viên LHQ nghi ngờ rằng Triều Tiên đang bí mật phát triển vũ khí hạt nhân. Năm 1994, chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton (1994-2002) đã nhất trí cung cấp viện trợ cho Triều Tiên, đổi lại việc ký kết một thỏa thuận từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Triều Tiên thông báo sẽ rút khỏi Hiệp ước quốc tế Không phổ biến vũ khí hạt nhân, và ông Clinton đã cố gắng “thuyết phục” họ.
Trong “thông điệp liên bang” năm 2002, cựu Tổng thống George W. Bush đã nặng lời gọi Triều Tiên là một phần của “trục ma quỷ”, cùng với Iran và Iraq, vì mối đe dọa vũ khí hạt nhân của họ. Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước.
Năm 2003, bàn đàm phán 6 bên nhằm thương lượng ngừng chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ tham gia. Năm 2004, nhà khoa học A.Khan của Pakistan đã bán cho Triều Tiên máy ly tâm khí, rất quan trọng trong việc làm giàu plutoni. Cuộc đàm phán kéo dài đến năm 2009 và bế tắc. Triều Tiên tiến hành nhiều vụ thử nghiệm vũ khí.
Sau khi đàm phán bị đình trệ, năm 2010, Triều Tiên bắn pháo sang hòn đảo tiền tiêu Yeonpyeong của Hàn Quốc làm 4 người thiệt mạng, trước đó họ còn bị cáo buộc phóng ngư lôi đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc làm 46 thủy thủ thiệt mạng.
Cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên diễn ra năm 2006. Hội đồng Bảo an LHQ đã ngay lập tức ra nghị quyết lên án và áp đặt trừng phạt. LHQ đã phải ban hành thêm nhiều nghị quyết khác siết chặt trừng phạt vào các năm 2009, 2013 và 2016 vì các vi phạm sau đó của Triều Tiên. LHQ dự kiến đưa ra một nghị quyết mới trong năm 2017.
Năm 2013, ông Kim Jong-un trong đại hội toàn thể đảng Lao động Triều Tiên đã nhấn mạnh rằng Triều Tiên cần phải là một cường quốc hạt nhân vĩnh viễn và đây sẽ không thể là chủ đề đưa ra thương lượng.
Triều Tiên bị nghi là đã bán công nghệ hạt nhân cho Iran và Syria, dù thông tin này chưa được xác minh.
Mỹ và LHQ, cùng với các nước riêng lẻ khác đã áp đặt rất nhiều trừng phạt kinh tế với Triều Tiên, trong đó có trừng phạt các cá nhân liên quan đến vũ khí hạt nhân. Trong suốt 5 chính quyền liên tiếp – từ thời Tổng thống George H.W. Bush đến thời Tổng thống Barack Obama – các lệnh trừng phạt đã yếu dần và tỏ ra không còn hiệu quả. Các trừng phạt của Mỹ với Cuba dưới thời Chủ tịch Fidel Castro còn nghiêm ngặt hơn với Triều Tiên.
Vũ khí hạt nhân và viện trợ nước ngoài
Triều Tiên gặp nhiều khó khăn để đảm bảo sự tồn tại của nền kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp. Nước này phải hứng chịu những trận hạn hán khắc nghiệt và không thể tự sản xuất đủ lương thực do thiếu đầu tư và sản xuất không đủ. Nước này nghèo đến nỗi Quỹ Lương thực Thế giới đã phát triển và tài trợ cho 11 cơ sở sản xuất lương thực để giúp tăng sản xuất lương thực.
Hậu quả là Triều Tiên phụ thuộc nặng nề vào viện trợ nước ngoài. Tuy nhiên, Trung Quốc, Nga, LHQ và các nước khác cũng chỉ góp được một phần những gì nước này cần viện trợ.
An ninh lương thực tại Triều Tiên đặt ra nhiều vấn đề lớn đối với phương Tây. Tuy nhiên thực tế đã cho thấy, nếu lương thực và viện trợ cho Triều Tiên bị cắt, nước này sẽ vẫn không ngừng duy trì quân đội hùng hậu và vũ khí mạnh.
“Chìa khóa” Trung Quốc
Tất cả các chính quyền Mỹ, cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc, đều coi Trung Quốc là “chìa khóa” giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan này. Triều Tiên là một nhà nước khách hàng của Trung Quốc. Khoảng 70% thương mại của họ được thực hiện với Trung Quốc. Trung Quốc đã hy sinh gần 200.000 binh lính để bảo vệ nước láng giềng này trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Dù Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán – như đàm phán 6 bên – và hứa gây sức ép với Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, sức ép này tỏ ra không mấy hiệu quả. Tháng 4/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago nhằm bàn thảo một chiến lược đối phó với Triều Tiên.
Vừa rồi phản ứng của Trung Quốc sau vụ Triều Tiên phóng thử ICBM là khá nhẹ nhàng. Thay vì sử dụng thương mại như một “vũ khí”, giao thương của Trung Quốc với Triều Tiên trên thực tế đã tăng 40% sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ. Bởi, Trung Quốc có chung đường biên giới với Triều Tiên. Không những thế, Trung Quốc không muốn quân Mỹ hiện diện tại Hàn Quốc hay Nhật Bản. Và, Trung Quốc cũng được hưởng lợi vì luôn tìm cách làm cho Mỹ, LHQ và nhiều nước khác quên các hành động của họ tại Biển Đông hay sáng kiến Con đường Tơ lụa. Tất cả điều này đều tạo lợi thế cho Trung Quốc.
Gần đây Trung Quốc và Nga đề xuất đổi việc Triều Tiên đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân lấy việc Mỹ dỡ bỏ THAAD khỏi Hàn Quốc và ngừng các cuộc tập trận chung vốn tiến hành thường niên từ năm 1997. Ông Tập Cận Bình thông báo tại hội nghị G20 rằng ông sẽ không phê chuẩn bất cứ trừng phạt nào mà HĐBA LHQ muốn.
Ông Trump đã hiểu ra rằng bất chấp các nỗ lực tốt nhất của mình với cả hai nước này, Trung Quốc và Nga sẽ không hành động gì trừ phi họ có lý do khác để làm điều đó.
Cách ứng phó của chính quyền Tổng thống Donald Trump
Hai triển vọng chính sách hoàn toàn đối lập đã được các quan chức cấp cao Mỹ đưa ra. Đại sứ Mỹ tại LHQ Nicki Haley tuyên bố tại một cuộc họp HĐBA gần đây về Triều Tiên rằng họ sẽ “nhanh chóng sập cánh cửa đối thoại”, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố tại một hội nghị ở Lầu Năm Góc rằng năng lực của Triều Tiên (ICBM…) “không đưa chúng ta đến gần hơn với chiến tranh”. Ngoại trưởng Rex Tillerson thì khẳng định “sự kiên nhẫn chiến lược” của ông Obama đối với TriềuTiên đã kết thúc, nhưng cũng thúc đẩy các giải pháp ngoại giao.
Do vẫn chưa định hình một chiến lược cụ thể nên giờ vẫn chưa rõ Mỹ sẽ ứng phó với các khiêu khích của Triều Tiên như thế nào. Và hành động mới nhất, mạnh nhất vừa rồi là Mỹ tiếp tục các cuộc tập trận chung với Nhật Bản và Hàn Quốc bất chấp sự phản đối của Trung Quốc và Triều Tiên.
Máy bay ném bom của Mỹ đến gần không phận Triều Tiên. Mỹ đã cử một lực lượng hỗn hợp Mỹ – Hàn đến biển Nhật Bản để phản đối vụ thử ICBM. Lực lượng phản ứng nhanh do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu, cùng với hai tàu khu trục của Hàn Quốc và các tàu tàu khu trục gắn tên lửa của Mỹ. Và như đã nói, Mỹ sẽ không ngừng triển khai THAAD tại Hàn Quốc.
Đại sứ Mỹ Nicki Haley đã phản đối các hành động của Triều Tiên lên HĐBA. Và có thể thấy, Tổng thống Donald Trump đã “lịch sự” gây sức ép với Trung Quốc và Nga tại G20 hòng mong hai nước này giúp đỡ giải quyết vấn đề Triều Tiên.
GS. Terry Buss, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách công, ĐH Carnegie Mellon, thành viên Hội đồng Hành chính Quốc gia Hoa Kỳ