Trong 3 năm đầu của giai đoạn 2021- 2025, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Bình Dương đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư cơ bản, đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân người dân nông thôn tại Bình Dương đạt 76,2 triệu đồng/người/năm. Bình Dương hiện có 41/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3/6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Toàn tỉnh có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao. Tổng vốn thực hiện chương trình nông thôn mới 3 năm qua là 6.400 tỷ đồng, không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tập trung vào việc thay đổi bộ mặt nông thôn trên cả 3 tiêu chí về chính quyền, kinh tế, xã hội thông qua các giải pháp về công nghệ thông tin. Trong đó, tỉnh tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Hệ thống này đóng vai trò quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm.
Đáng chú ý, Bình Dương khuyến khích nông dân đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán trực tuyến, phối hợp với nhiều doanh nghiệp công nghệ để ứng dụng hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử. Những giải pháp này đã được áp dụng trong vài năm qua và ghi nhận những kết quả khả quan.
Đến nay, hơn 2.000 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử; 17.000 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp đăng ký tài khoản để mua - bán trên các sàn.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2023, diện tích gieo trồng cây hàng năm ở Bình Dương đạt 20.031 ha, diện tích cây lâu năm đạt 142.772 ha. Trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị hơn 407ha, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hơn 6.413ha. Bình Dương đã có 172ha được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ.
Đến nay, toàn tỉnh được cấp 24 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 1.185ha; 14 mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu nông sản đi khắp các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Anh, Nga, New Zealand...
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết bên cạnh việc tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ, chính quyền và nhân dân Bình Dương luôn quan tâm phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô của tỉnh; hướng đến mục tiêu quan trọng hàng đầu là cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Bình Dương lên kế hoạch xây dựng nông thôn mới thông minh, trong đó đề cập đến phát triển mô hình “làng thông minh", từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đặt mục tiêu tăng thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Thời gian qua, việc đầu tư phát triển các công trình hạ tầng giao thông, điện, nước cũng như trong lĩnh vực y tế, giáo dục… đã tạo thuận lợi trong kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa các trung tâm đô thị với các vùng nông thôn của tỉnh. Sau 3 năm, Bình Dương huy động được hơn 6.408 tỷ đồng tổng vốn đầu tư cho cho xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô trên địa bàn.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương nhận định tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, đặc biệt thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh.
Bình Dương sẽ phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa; chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao cho các mô hình sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng nông thôn mới thông minh; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị.