Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”

Đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 bùng phát trong tháng 7 đã đặt ra cho kinh tế - xã hội rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng của tỉnh trong những tháng cuối năm và cả năm 2021. Bình Dương hiện có 29 KCN, gần 3.000 dự án đang hoạt động với 485.671 người lao động. Công tác phòng, chống dịch bệnh tại các nhà máy được nâng lên cấp độ cao nhất.

{keywords}
Để kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bình Dương áp dụng phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn.

Để kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bình Dương áp dụng phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm” tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn.

Tính đến nay, tỉnh có 3.737 doanh nghiệp đăng ký, với 41.000 lao động đăng ký ăn nghỉ, sản xuất tại nhà máy theo mô hình này, góp phần cùng địa phương nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa bảo vệ sức khỏe công nhân lao động, vừa không để “đứt gãy” hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về an sinh xã hội, tỉnh nỗ lực triển khai Nghị quyết số 68/ NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, bên cạnh một số chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh đến người dân, người lao động bị ảnh hưởng.

Với nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực của tỉnh, sự nỗ lực vượt qua khó khăn của DN, các DN trong tỉnh đều có đơn hàng xuất khẩu, nhất là ngành dệt, may, chế biến gỗ... đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Một số thị trường xuất khẩu chính như Mỹ chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, Nhật chiếm 8,4%, Hàn Quốc chiếm 9,5%, Đài Loan chiếm 7,2%, Hồng Kong chiếm 6,8%... cho thấy được khả năng duy trì thị phần trong khó khăn. Nguồn nguyên vật liệu nhập về cũng khá nhiều giúp DN duy trì nhịp độ sản xuất.

Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 giảm 2,8% so tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 17,9%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,7% so với cùng kỳ; khai khoáng giảm 32,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 7,3% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,5%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,8% so với cùng kỳ…

DN đồng hành với chính quyền địa phương, giữ vững “thành trì” chống dịch

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là Sở Công thương, Ban Quản lý các KCN trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, hướng dẫn DN chủ động triển khai các giải pháp nhằm ổn định sản xuất. Cùng với đó là khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tỉnh đang nỗ lực hết sức để bảo vệ, tạo điều kiện cho các DN thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, bảo đảm an toàn dịch bệnh để tiếp tục sản xuất.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Tỉnh mong muốn các DN hãy đồng hành với chính quyền địa phương, giữ vững “thành trì” chống dịch. Tỉnh sẽ hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để DN tiếp tục phát triển sản xuất an toàn trong điều kiện dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Theo đó, các DN cần nghiêm túc tuân thủ các hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi sản xuất, nơi ở tập trung của người lao động, chủ động nhận diện nguy cơ lây nhiễm dịch trong DN để xây dựng kịch bản ứng phó. Với tinh thần chủ động phương án sản xuất, các biện pháp phòng, chống dịch được kích hoạt ở mức cao nhất gắn với sản xuất an toàn, ổn định sẽ là giải pháp quan trọng để tỉnh giữ đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2021”.

Cửu Long