Phiên chất vấn kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X vào sáng 10/12 có nội dung liên quan đến lĩnh vực du lịch. Tại đây, ông Nguyễn Thanh Quang (Tổ đại biểu TP. Thuận An) cho biết, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND ngày 11/01/2023 triển khai Đề án phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Thanh Quang đặt câu hỏi đến ông Bùi Hữu Toàn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Đến nay, đề án đã thực hiện được những nội dung gì? Và để hoàn thành kế hoạch thực hiện đề án, cần tập trung thực hiện những giải pháp gì trong thời gian tới?".
Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Bùi Hữu Toàn cho biết, Đề án phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch.
Tính đến nay, Sở đã triển khai đề án được gần 3 năm và đạt được một số kết quả ban đầu. Trong đó, nổi bật nhất là sự đổi mới nhận thức và tư duy phát triển du lịch của người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, bảo vệ môi trường du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch và thực hiện xây dựng thương hiệu du lịch Bình Dương.
Chú trọng chuyển đổi số ngành du lịch
Ông Toàn cho biết, hiện sở đang rà soát hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch với 6 nhóm chính sách hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng khách sạn; hỗ trợ đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay); xây dựng mô hình vườn cây ăn quả, cơ sở sản xuất nghề truyền thống kết hợp với kinh doanh du lịch; hỗ trợ cơ sở sản xuất nghề truyền thống kết hợp với kinh doanh du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch và tham gia các chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Song song, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã và đang đẩy mạnh triển khai các chương trình thông tin, xúc tiến du lịch, giới thiệu hình ảnh du lịch Bình Dương; chú trọng phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cho biết, sở sẽ tiếp tục phổ biến cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch về các nền tảng số trong lĩnh vực du lịch để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cũng như góp phần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành và quảng bá du lịch; xây dựng các ứng dụng hướng dẫn tham quan du lịch thông minh.
Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tiếp tục kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng giao thông đường thủy, các bến hành khách phục vụ phát triển tuyến du lịch ven sông. Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác với TP.HCM và các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh nhằm xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết hiệu quả…
Khai thác tour tham quan, trải nghiệm thực tế làng nghề truyền thống
Bình Dương có 66 di tích được xếp hạng (trong đó có 13 di tích cấp Quốc gia và 53 di tích cấp tỉnh), 1 bảo tàng cấp tỉnh và 1 bảo tàng tư nhân (Bảo tàng Dược cổ truyền Việt Nam - Fito Museum), 1 Bảo tàng Gốm sứ Minh Long I (đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động). Ngoài ra, còn có 9 nghề truyền thống. Trong đó, nghề sơn mài ở phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một và "Nghề gốm Bình Dương" đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là "Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia".
Trong thời gian qua, ngành du lịch Bình Dương tận dụng những lợi thế của các làng nghề để khai thác loại hình tham quan, trải nghiệm thực tế tại các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ để phục vụ du khách; đồng thời, các làng nghề truyền thống còn gắn kết với những điểm phục vụ du khách đến tham quan, kết hợp mua sắm.
Để phát huy được những giá trị truyền thống của những sản phẩm du lịch này, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án bảo tồn và phát triển Làng sơn mài Tương Bình Hiệp, kết hợp du lịch để hình thành địa điểm du lịch tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất sản phẩm, trải nghiệm nghề và mua sắm sản phẩm làm quà lưu niệm.
Song song, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch sẽ xây dựng các tour du lịch tham quan làng nghề kết hợp với các tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và các tuyến du lịch khác; liên kết với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh xây dựng tour trải nghiệm cho du khách tham gia vào quy trình sản xuất các sản phẩm truyền thống mà tại đó du khách có thể tự tay thiết kế, tạo ra các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ dựa vào các làng nghề thủ công truyền thống như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ, làm heo đất, làm guốc…
Đồng thời, sở tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh các nghề, làng nghề truyền thống thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tại: các sự kiện, hội chợ du lịch, trên các tạp chí du lịch và các ấn phẩm du lịch. Sở cũng tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mềm phục vụ du lịch cho các chủ cơ sở, người lao động tại các làng nghề truyền thống.
Thanh Mai