Theo Kết luận tại cuộc họp Ban chỉ đạo ứng dụng và phát triển CNTT tỉnh Bình Dương tổng kết hoạt động CNTT năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, thường trực Ban chỉ đạo CNTT tỉnh Bình Dương đã đánh giá, việc ứng dụng và phát triển CNTT ngày càng có những đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cải cách hàng chính. Đây cũng là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tới việc ban hành các Nghị quyết, Chương trình, văn bản pháp luật nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT trong toàn xã hội.
Việc ứng dụng CNTT tại tỉnh Bình Dương có nhiều tiến bộ rõ rệt, từng bước đi vào chiều sâu góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tuy nhiên một số lãnh đạo chưa thực sự quyết tâm ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, đơn vị, kết quả ứng dụng CNTT của Bình Dương mới được Trung ương đánh giá ở mức Khá, chưa xứng tầm với sự phát triển kinh tế, xã hội, mục tiêu xây dựng thành phố thông minh của tỉnh.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển CNTT trong năm 2018, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ sau: Tiếp tục quán triệt nhận thức, xây dựng kế hoạch và triển khai cụ thể hóa các nội dung yêu cầu của các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch về ứng dụng CNTT. Đặc biệt phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xây dựng thành phố thông minh, nâng cao năng lực tiếp cận của tỉnh với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phải quyết tâm đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 theo yêu cầu của Chính phủ và kế hoạch của tỉnh. Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các dịch vụ này, chủ động đề xuất, xây dựng các ứng dụng CNTT chuyên ngành, phục vụ công tác quản lý điều hành và kết nối, tích hợp với các dịch vụ công trực tuyến.
Tăng cường sử dụng chữ ký số trong trao đổi văn bản điện tử, thực hiện nghiêm túc đầy đủ chữ ký số trên các văn bản phát hành qua phần mềm quản lý văn bản, yêu cầu cán bộ công chức viên chức nghiêm túc sử dụng hộp thư điện tử của tỉnh trong trao đổi công việc nhằm đảm bảo an toàn thông tin.
Các đơn vị được giao xây dựng và nâng cấp cơ sở dữ liệu dùng chung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, triển khai cơ sở dữ liệu dân cư, tài nguyên môi trường để tập trung duy trì, cập nhật và đề xuất phương án chia sẻ, khai thác để phục vụ xây dựng chính quyền điện tử.
Mới đây, Sở TT&TT Bình Dương cũng đã triển khai kế hoạch triển khai phần mềm một cửa điện tử tập trung cấp huyện và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
Theo đó, việc triển khai phần mềm một cửa điện tử, tập trung triển khai cho UBND thành phố Thủ Dầu Một, UBND thị xã Thuận An, Dĩ An, hoàn thành trong năm 2017, đưa vào sử dụng bắt đầu từ ngày 01/01/2018; các UBND cấp xã trực thuộc sẽ được triển khai trong năm 2018.
Công ty FPT bổ sung 5 UBND cấp xã vào danh sách triển khai, gồm: UBND phường An Bình, phường Dĩ An thuộc UBND thị xã Dĩ An; UBND phường Hưng Định, phường Vĩnh Phú, xã An Sơn thuộc UBND thị xã Thuận An; Ngoài việc truy cập phần mềm thông qua mạng truyền số liệu chuyên dùng, để tăng cường khả năng dự phòng, Trung tâm Thông tin điện tử cấu hình cho phần mềm 1 cửa điện tử hoạt động dự phòng trên 1 đường truyền công cộng khác; UBND cấp huyện thống nhất các trạng thái thông báo cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính.
Sở TT&TT Bình Dương nghiên cứu phương án triển khai tin nhắn qua hệ thống Zalo, Công ty FPT nghiên cứu tích hợp hệ thống tin nhắn chủ động và thụ động theo trạng thái để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp biết được tình trạng giải quyết hồ sơ; Trung tâm Hành chính công, Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu phương án để đảm bảo các hồ sơ giải quyết trong ngày được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo có thông tin trên phần mềm một cửa khi cần thống kê, báo cáo; Cấp tài khoản khách cho nhân viên bưu điện để có thể cập nhật thông tin khi tiếp nhận hồ sơ chuyển trả kết quả tại nhà; Công ty FPT xây dựng phần mềm một cửa điện tử đảm bảo có thể liên thông các ứng dụng với trục liên thông của tỉnh; Hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng tính năng quét mã vạch và phân hệ tra cứu thông tin trên kiosk để giúp tổ chức, cá nhân có thể xem được trạng thái hồ sơ đã nộp.