Chống dịch theo tình hình mới

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 nhưng với quyết tâm giữ vững các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế theo đúng kế hoạch đề ra, UBND tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kỳ vọng đưa kinh tế vượt qua khó khăn để phục hồi và phát triển.

Theo báo cáo của cơ quan y tế Bình Dương, đến trưa ngày 20/7, trên toàn tỉnh có tổng 3.303 ca mắc Covid-19, trong đó có 48 doanh nghiệp có tổng trên 1.000 F0. Để đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo thành lập được 7.974 tổ an toàn Covid-19 trong các doanh nghiệp.

UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn hỏa tốc số 3392/UBND-VX về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết, tỉnh đang triển khai các biện pháp cấp bách mới để ngăn chặn dịch từ vùng nguy cơ rất cao là “vùng đỏ” lây lan đến vùng nguy cơ thấp.

Đồng thời, đối với các khu vực người dân đã xét nghiệm, sàng lọc đảm bảo an toàn, tỉnh sẽ kiểm soát chặt, không cho người tự ý ra vào khu vực này, tiến tới "làm sạch" Covid -19 để giữ vững "vùng xanh" an toàn.

Thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa sản xuất, vừa chống dịch, hầu hết các doanh nghiệp ở Bình Dương đều triển khai phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Cụ thể, “3 tại chỗ”, ăn, ở, sản xuất tại nhà máy; “1 cung đường, 2 địa điểm”- hai địa điểm là nơi ở (khách sạn, ký túc xá) và nhà máy, công nhân có xe đưa rước. Nếu doanh nghiệp không thực hiện một trong hai phương án trên thì yêu cầu dừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo thống kê, Bình Dương có khoảng 2.000 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Hiện, hơn 1.450 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”.

{keywords}
Bình Dương trên đà phục hồi và phát triển kinh tế do ảnh hưởng của dịch

Đội phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp

Một trong những giải pháp mang tính cấp bách để phục hồi, vực dậy kinh tế được tỉnh chủ động triển khai từ sớm là hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch gây ra. UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ, tháo giỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh Bình Dương Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên quan đến hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời rà soát, chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền.

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các thành viên và Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp báo cáo, tham mưu, đề xuất hàng tuần để có phương án hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp.

Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để tận dụng tốt các cơ hội phát triển, nhất là đón bắt thời cơ dịch chuyển các dòng vốn đầu tư từ các nước. Trong những tháng còn lại của năm, các các ngành chức năng sẽ tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp thị, kêu gọi đầu tư và các hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, các hiệp hội, nhà đầu tư.

Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, kinh tế Bình Dương vẫn duy trì được mức tăng trưởng và tạo ra những điểm sáng. Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như ngành dệt may, sợi, da giày; các ngành nghề có hàm lượng giá trị cao, công nghệ cao, ít thâm dụng lao động và không ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Ngoài ra, một số ngành nghề khác như chế biến gỗ, y tế, dược, ngành dịch vụ chất lượng cao... cũng được quan tâm thu hút đầu tư.

Trong Chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bình Dương đã ban hành Đề án hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh hỗ trợ hình thành từ 4 - 5 vườn ươm doanh nghiệp, không gian khởi nghiệp để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ phát triển 50 dự án khởi nghiệp sáng tạo, 25 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 80 tỷ đồng.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".

Bài và ảnh: Thu Thủy