Theo Sở TT&TT tỉnh Bình Dương, xác định tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các Sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Bình Dương đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị; các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT, trong đó việc ứng dụng CNTT hướng đến đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn là một ưu tiên hàng đầu mà tỉnh Bình Dương đang triển khai thực hiện.
Theo mục tiêu của Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử “Trong ba năm 2015 – 2017, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính”, UBND tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cải cách hành chính. Trong đó, việc triển khai phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính.
Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã cung cấp 314 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Bưu điện tỉnh Bình Dương triển khai dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện tại 70 điểm giao dịch trong toàn tỉnh. Phần mềm một cửa tập trung cấp tỉnh đã được đưa vào sử dụng tại 19 cơ quan và 2 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thông qua hệ thống phần mềm và hệ thống camera giám sát được đặt tại Bộ phận một cửa, lãnh đạo và cán bộ, công chức có thể theo dõi quá trình luân chuyển hồ sơ trong nội cơ quan nhằm phục vụ tốt hơn cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Nhìn chung, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả cao, Bình Dương đã dần hình thành các điều kiện để sẵn sàng hướng đến xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến một nền hành chính hiện đại, ngày càng thân thiện để phục vụ cho nhân dân.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Trong đó tập trung đẩy mạnh đổi mới, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Thực hiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ theo Kế hoạch và hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; triển khai thực hiện ứng dụng CNTT kết hợp với Hệ thống quản lý chất lượng ISO (ISO điện tử) trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Để hướng đến xây dựng Chính quyền điện tử, UBND tỉnh Bình Dương đẩy mạnh đổi mới, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với những lĩnh vực bức thiết, liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Từng bước triển khai các hệ thống thông tin quốc gia về dân cư, đất đai - xây dựng, doanh nghiệp…
Hàng năm, UBND tỉnh Bình Dương đều ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, và các văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm định hướng cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Trong đó, việc triển khai chữ ký số trên môi trường mạng được UBND tỉnh đẩy mạnh theo Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017 về Quy chế quản lý và sử dụng chứng thư số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Năm 2017, 50 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được tập huấn sử dụng chữ ký số; 196 chứng thư số đã được cấp cho các đối tượng là lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện; các phòng, ban, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp xã.
Một trong những nội dung trọng tâm hướng đến phát triển Chính phủ điện tử mà UBND tỉnh Bình Dương đang triển khai thực hiện là việc triển khai và sử dụng có hiệu quả phần mềm quản lý văn bản, phần mềm quản lý văn bản liên thông, hộp thư điện tử công vụ. Đến nay, tỷ lệ cơ quan thực hiện kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản từ cấp tỉnh đến cấp xã đạt tỷ lệ 100%; 62 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý văn bản cho, với hơn 7.800 cán bộ, công chức, viên chức sử dụng; 6.334 hộp thư công vụ đã được cấp cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh.