Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã ban hành 25 văn bản tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19; phát hành 100 văn bản đề nghị doanh nghiệp (DN) báo cáo kết quả tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm theo Quyết định số 2194 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, đăng ký ở lại nơi làm việc, khai báo điện tử QR Code, thành lập Tổ an toàn COVID-19 tại các doanh nghiệp.

Ban quản lý đã triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 theo Quyết định số 2787 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, KCN”; các quy định của Bộ Y tế về xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho người lao động và các đối tượng có nguy cơ cao. Qua yêu cầu và hướng dẫn, có 1.877/2.045 doanh nghiệp thực hiện. Các doanh nghiệp đã thành lập 5.013 Tổ an toàn COVID-19 tại doanh nghiệp. Có 1362 doanh nghiệp đăng ký khả năng tự đảm bảo sản xuất trong điều kiện có dịch.

{keywords}
Bình Dương lập Tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh Hoài Linh

Để đảm bảo sản xuất an toàn trong điều kiện dịch COVID-19, 46 doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị người lao động ở lại nhà máy vừa lưu trú vừa sản xuất, với tổng số lao động đăng ký gần 10.000 người. Ban quản lý Các KCN tỉnh đang phối hợp với Sở Y tế ban hành các điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện. Nhiều DN kiến nghị tỉnh Bình Dương cần đẩy nhanh việc test nhanh COVID-19 cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bị phong tỏa sớm được hoạt động trở lại an toàn; tạo điều kiện lưu thông hàng hóa; cần bố trí xe hàng hóa lưu động cung cấp nhu yếu phẩm cho người lao động tại doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động; có giải pháp sớm tiêm vắc xin cho công nhân... 

Trước kiến nghị của DN, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị ngành y tế tiếp tục tổ chức tốt công tác phòng, chống, chặn  dịch bệnh  và điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngành cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm lên 150.000-200.000 mẫu/ ngày, tranh thủ từ nguồn lực hỗ trợ của Bộ Y tế để bảo đảm công tác phòng chống dịch, chuẩn bị chủ động các nguồn vật tư; nâng cao năng lực xét nghiệm; xử lý ca F0 thật nhanh và hiệu quả trong thời gian sớm nhất…để tạo điều kiện cho DN sớm ổn định và hoạt động sản xuất hiệu quả, an toàn sau khi phát hiện có ca nhiễm bệnh. 

Các ngành, địa phương cần có sự phối hợp trong bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm phòng chống dịch; tạo điều kiện cho người lao động, nhất là trong khu vực cách ly. Các tổ chức cần tiếp tục kịp thời hỗ trợ các chế độ đến người lao động theo quy đinh; Đoàn, Hội cần triển khai ngay các bếp ăn từ thiện, siêu thị 0 đồng đến khu vực người lao động gặp khó khăn… Công tác quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, tạo dựng niềm tin trong nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định: “Với phương châm xem khó khăn của DN là khó khăn của mình, lãnh đạo tỉnh sẽ nỗ lực hỗ trợ các DN trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì sản xuất; hỗ trợ các DN trong việc khơi thông xuất khẩu, ổn định đời sống cho người lao động. Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài, người lao động là chiến sĩ …tất cả nhằm giữ vững thành quả, đồng hành cùng chính quyền trong công tác phòng chống dịch bệnh, chăm lo đời sống cho người lao động, giữ vững sản xuất. Tất cả cùng bảo vệ thành quả của chính mình, phát triển kinh tế, chuẩn bị cho những cơ hội hậu COVID-19 và vì một Bình Dương tiếp tục phát triển trong tương lai...”

Theo Sở LĐTB&XH Bình Dương, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 317 doanh nghiệp (trong đó có 48 doanh nghiệp có F0). 41.203 lao động bị ảnh hưởng; 24.482 người bị nghỉ việc do trong khu phong tỏa ...

Đối với lao động tự do, Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương dự kiến hỗ trợ một lần khoảng 40.000 đối tượng là lao động tự do với mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/người, trong đó 7.000 đối tượng bán vé số bị ảnh hưởng do COVID-19. Trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân các chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch để đạt hiệu quả thiết thực.

Thúy Hạnh