Trên địa bàn tỉnh có những khu vực có nguy cơ cao về sự cố môi trường, tập trung trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, các bãi chôn lấp chất thải, khu xử lý nước thải tập trung…, mỗi năm lượng chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh đạt trung bình trên 33%.
Riêng lĩnh vực y tế, theo báo cáo kế hoạch bảo vệ môi trường ngành y tế tỉnh Bình Dương, tổng khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng hơn 614 tấn.
Lượng chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh ngày một gia tăng, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý môi trường. Để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát về chất thải trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ môi trường, Bình Dương cần có kế hoạch triển khai để phòng ngừa, ứng phó với sự cố chất thải.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ngay từ đầu năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai phương án, kế hoạch thực hiện các quy định về phòng ngừa, chuẩn bị ứng phó sự cố và phục hồi môi trường sau sự cố (nếu xảy ra sự cố) theo quy định.
Đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở ít nhất 2 năm một lần; bố trí kinh phí và nhân lực đảm bảo cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường tại cơ sở; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng hồ sơ môi trường đã được cơ quan quản lý môi trường phê duyệt, đảm bảo chất thải phát sinh được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra nguồn tiếp nhận; định kỳ hàng năm báo cáo công tác bảo vệ môi trường, trong đó bao gồm báo cáo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.
Đồng thời, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kế hoạch Quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch tổng thể ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2030 phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển của tỉnh.
Kế hoạch tổng thể ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2023-2030 đã đưa ra một số tình huống sự cố chất thải điển hình. Đó là sự cố môi trường do chất thải y tế như rò rỉ, rơi vãi, tràn đổ, hỏng thiết bị xử lý chất thải, nước thải y tế, khí thải (từ phòng xét nghiệm vi sinh) làm phát tán chất thải lây nhiễm ra môi trường trong quá trình quản lý chất thải y tế, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và phát sinh dịch bệnh trong cộng đồng. Sự cố chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại do sự cố công trình xử lý, lưu giữ chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại bị hư hỏng kết hợp với mưa, bão, lũ bất thường làm tràn đổ, rò rỉ chất thải ra môi trường. Sự cố chất thải lỏng (bùn thải, nước thải) do mưa, bão bất thường làm đập hồ chứa nước thải chưa qua xử lý của Nhà máy xử lý nước thải bị sạt lở thân đập, nước thải chảy ra môi trường và khu vực dân cư và do trong quá trình lưu giữ, vận chuyển chất thải chưa qua xử lý các phương tiện vận chuyển bị tai nạn đâm, va làm lật, đổ, bục, vỡ bồn chứa, nước thải chảy ra môi trường, khu vực dân cư, gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe của người dân.
Và sự cố chất thải khí (khí thải) do sự cố cháy nhà xưởng sản xuất, kho chứa chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải có chứa các chất POP (cháy dầu thải chứa PCB phát tán hóa chất độc, khói độc từ nhà kho bay ra môi trường mang theo hàm lượng CO2, NO, SO2, HCl, NO2...).
Bình Dương triển khai thực hiện kế hoạch Quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động ứng phó sự với cố chất thải trên địa bàn, đảm bảo đời sống cho nhân dân quanh các khu vực có nguy cơ cao về sự cố môi trường.