Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Bình Dương tiếp tục xác định phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại trên cơ sở phát huy tổng hợp các nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Trong đó, để cân bằng giữa thương mại - dịch vụ và công nghiệp, tỉnh tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2025 - 2030 và tầm nhìn đến 2045
Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ tiềm năng, phục vụ cho phát triển công nghiệp và đô thị, đáp ứng yêu cầu quá trình chuyển đổi số, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện tốt chức năng cung ứng, tiêu thụ hàng hóa phục vụ quá trình sản xuất, xuất khẩu.
Theo đó, tỉnh Bình Dương đã nỗ lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỷ trọng của các ngành dịch vụ ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin để tác động lan tỏa tới các lĩnh vực khác.
Với điều kiện sẵn có cùng quyết tâm chuyển đổi số, Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ hành chính công đạt từ 50% trở lên; hạ tầng mạng Internet băng rộng phủ trên 99% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%…
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright và Đại học Indiana, Hoa Kỳ, với vai trò là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giai đoạn hậu đại dịch Covid-19 sẽ là cơ hội để Bình Dương trở thành điểm đến của các doanh nghiệp và hình thành chuỗi cung ứng, sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2022, tỉnh gấp rút chuẩn bị khởi công mở rộng tuyến Quốc lộ 13 từ TP Thủ Dầu Một đến giáp ranh TP Hồ Chí Minh, xây dựng cầu vượt qua nút giao thông Hữu Nghị - ngã tư Bình Hòa, hầm chui ngã năm Phước Kiến và ngã tư Chợ Đình… Tất cả những dự án trên góp phần quan trọng để tỉnh đẩy mạnh việc phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó, Thành phố mới Bình Dương sẽ là trung tâm để kết nối các phân khu trong Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương cũng như kết nối với các tỉnh, thành, thúc đẩy lĩnh vực thương mại - dịch vụ chất lượng cao phát triển.
Trên thực tế, Thành phố mới Bình Dương đến nay đã được định vị để trở thành thành phố của khoa học, giáo dục, tài chính và dịch vụ chất lượng cao. Nơi đây là điểm đến của các hoạt động thương mại và giao thương quốc tế, tạo động lực thúc đẩy việc thu hút và phát triển các khu công nghiệp xung quanh, trở thành điểm nhấn lan tỏa nhằm nâng cấp đô thị của Bình Dương.
Cụ thể, đến nay Trung tâm Thương mại thế giới Thành phố mới Bình Dương đã xây dựng xong khu triển lãm và hội nghị quốc tế. Khu phức hợp vòng xoay A1 là điểm đô thị theo mô hình TOD đầu tiên sẽ được khởi công sớm trong năm 2022.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Bình Dương được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Hiện tỉnh tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư các khu công nghiệp đã được quy hoạch, trên địa bàn sẽ có 34 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại, tạo ra tiền đề cho ngành dịch vụ tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong tiến trình phát triển đó, đô thị hạt nhân Thành phố mới Bình Dương đã và đang vươn mình mạnh mẽ, làm tốt vai trò kết nối và ngày càng khẳng định định hướng đúng đắn của tỉnh. Đặc biệt, sự hợp tác toàn diện giữa Tập đoàn Tokyu và Tổng công ty Becamex IDC đã mang lại những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực phát triển đô thị, thương mại, hạ tầng giao thông tại Bình Dương, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao.
Hải Thanh