Công tác bình đẳng giới ở Bình Dương luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm và thực hiện đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Qua công tác này, phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.
Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 – 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đáp ứng 6 mục tiêu cụ thể nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo đó, trong lĩnh vực chính trị, phấn đấu đảm bảo tỷ lệ hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số, ưu tiên lãnh đạo nữ. Đến năm 2025, đạt 60% và đến năm 2030 đạt 70% cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Đối với lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số làm công hưởng lương đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030; giảm tỷ lệ lao động nữ dân tộc thiểu số làm việc trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 20% vào năm 2030; tỷ lệ nữ giám đốc, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã là nữ dân tộc thiểu số đạt ít nhất 5% vào năm 2025 và 10% vào năm 2030.
Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, giảm tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số làm các công việc "Lao động gia đình không hưởng lương" xuống 40% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030; tối thiểu 60% số vụ bạo lực trên cơ sở giới của nhóm dân tộc thiểu số được phát hiện và được tư vấn hoặc tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản. Từ năm 2025 trở đi, 100% số nạn nhân người dân tộc thiểu số bị mua bán trở về có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng.
Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân đạt 100% từ năm 2025 trở đi; tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt trên 90% vào năm 2025 và khoảng 99% vào năm 2030; tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt khoảng 85% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030.
Lĩnh vực y tế, tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có sử dụng thẻ bảo hiểm của phụ nữ dân tộc thiểu số trong khám chữa bệnh lên 70% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; tăng tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai trong phụ nữ dân tộc thiểu số từ 15-49 tuổi lên 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030.
Lĩnh vực thông tin, truyền thông, từ năm 2025, 80 - 100% hộ gia đình là người dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về chính sách pháp luật về bình đẳng giới; 100% cán bộ làm công tác dân tộc, làm công tác liên quan đến bình đẳng giới được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động bình đẳng giới; 100% người có uy tín ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng về tuyên truyền chính sách pháp luật về bình đẳng giới.
Theo Kế hoạch, Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Kế hoạch, có phân kỳ kế hoạch hàng năm; tổ chức lồng ghép nhiệm vụ bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số vào chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu của tỉnh và các chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành; kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện, định kỳ báo UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc.