Theo Sở TT&TT tỉnh Bình Dương, trả lời phỏng vấn tại sự kiện Hội nghị thành phố thông tinh Bình Dương năm 2017 diễn ra từ ngày 25-27/11/2017, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Điều hành Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương cho biết, tiếp nối thành công của Hội nghị TPTM Bình Dương lần 1 được tổ chức vào tháng 3/2016, Hội nghị lần 2 -2017 nhằm giới thiệu về tầm nhìn, hướng đi và quá trình xây dựng khởi đầu của Đề án TPTM Bình Dương - góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh; tạo điều kiện thảo luận, chia sẻ các ý kiến từ lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu thế giới và trong nước về tầm nhìn, chiến lược, chương trình hành động của các Đề án TPTM trên khắp thế giới, so sánh và đề xuất các ý tưởng thực tiễn cho trường hợp của Bình Dương trong giai đoạn sắp tới.
Hội nghị bao gồm nhiều hoạt động, hướng tới nhiều thành phần, từ đó nâng cao nhận thức, sự ủng hộ và sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, các viện trường, các nhà khoa học, học sinh, sinh viên, đẩy mạnh liên kết ba nhà (Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp), liên kết hợp tác quốc tế và các tỉnh, thành lân cận, cùng triển khai xây dựng TPTM Bình Dương.
Ông Mai Hùng Dũng cho biết, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, tỉnh Bình Dương đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, phát triển bền vững. Tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Lãnh sự quán Hà Lan, Tổng Công ty Becamex IDC cùng các đơn vị liên quan tổ chức nhiều buổi Hội thảo và các cuộc làm việc, trao đổi và tìm hiểu về “Đô thị Thông minh”, làm tiền đề quan trọng cho việc quy hoạch, phát triển tỉnh Bình Dương trong tình hình mới, phù hợp với giai đoạn đầu của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng 4.0).
Từ thực tiễn đó, đồng thời cụ thể hóa Chương trình số 22-CTr/TU ngày 15/8/2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án thành phố Thông minh - Bình Dương”; triển khai thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng Cố vấn, Ban Điều hành, Văn phòng Thành phố thông minh Bình Dương và phối hợp tổ chức Hội thảo “Thành phố thông minh - Mô hình ba nhà”. Tổ chức các cuộc họp nghe sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án TPTM Bình Dương trong năm 2017, nhiệm vụ năm 2018 và các năm tiếp theo. Lãnh đạo tỉnh tiếp các Đoàn công tác và các doanh nghiệp nước ngoài đến chia sẻ kinh nghiệm cũng như đề xuất các giải pháp hỗ trợ Bình Dương xây dựng TPTM. UBND tỉnh Bình Dương và Becamex IDC đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác lớn trong nước và trên thế giới có nhiều năng lực cũng như kinh nghiệm trong triển khai xây dựng TPTM như Tập đoàn Brainport, Philips Lighting (Hà Lan), Tập đoàn VNPT,...
Có thể khẳng định rằng, trong bối cảnh và cơ chế như hiện nay, việc xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị thông minh là một tiến trình còn khá mới mẻ, chưa có tiền lệ với nhiều cơ hội và thách thức. Vì vậy, Bình Dương rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm của các đối tác, đặc biệt là chính quyền và doanh nghiệp thành phố Endhohven (Hà Lan) cùng các quốc gia khác về phương hướng, tầm nhìn, giải pháp và nội dung thực hiện triển khai Đề án TPTM. Qua đó, góp phần tạo cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc hoạch định một chính sách phát triển thành công cho tỉnh Bình Dương trong tương lai.
Ông Mai Hùng Dũng cho biết thêm, sau Hội nghị lần thứ 2 này, tỉnh Bình Dương sẽ xem xét, vận dụng kinh nghiệm cũng như giải pháp được các chuyên gia chia sẻ, đề xuất để tiếp tục triển khai nội dung các chương trình theo Đề án TPTM Bình Dương đã xây dựng. Trước mắt, Bình Dương sẽ đẩy nhanh các điều kiện cần thiết để tham gia vào Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF).
Dựa trên những kinh nghiệm của thành phố Eindhoven và vùng Braint Eindhoven, Bình Dương đã quyết định tham gia vào ICF và phấn đấu giành Giải thưởng Smart21. Tham gia vào chương trình này, Bình Dương đang thể hiện khát vọng của tỉnh trở thành 1 trong 21 vùng thông minh nhất thế giới vào năm 2021. Để đạt được mục tiêu đó, Bình Dương đang chuẩn bị những điều kiện cần để kiểm tra khả năng của vùng và so sánh với những yêu cầu của ICF để có những giải pháp thực hiện đạt được các tiêu chí của Giải thưởng.
Ba đối tượng chính được phục vụ trong TPTM là chính quyền - doanh nghiệp - người dân. Người dân được hưởng thụ cuộc sống đáng sống với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, được hưởng nền giáo dục thông minh, cơ hội việc làm, thăng tiến, giải trí đa phương tiện, được chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội...
Đối với doanh nghiệp là môi trường khởi nghiệp năng động, tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh doanh, thủ tục thuận tiện, tiếp cận dễ dàng đến đối tượng khách hàng. Đột phá đối với chính quyền là giảm tải thủ tục hành chính công, xử lý các vấn đề khủng hoảng nhanh chóng, tạo ra niềm tin nơi chính quyền, đảm bảo phát triển thành phố bền vững, duy trì môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả hạ tầng, qua đó giúp giảm chi phí cho người dân.
Với chiến lược nhất quán, nếu như Bình Dương lần lượt thực hiện các chương trình hành động cụ thể đã được đề xuất trong đề án, cùng chia sẻ những lợi ích và mong muốn giữa các bên, chúng ta hoàn toàn có thể mở ra một trang mới về kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu mới, tất yếu của người dân và doanh nghiệp, tiến lên một nền dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, dần dần hướng tới trở thành đô thị đáng sống, đáng làm việc, từng bước thực hiện mục tiêu lâu dài là “Vùng Kinh tế thông minh Bình Dương: tự hào của Việt Nam, danh tiếng toàn cầu”.