Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (ngày 19/9), Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cũng đề nghị quy hoạch sân bay quân sự theo hướng lưỡng dụng tại huyện Dầu Tiếng.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, theo định hướng quy hoạch đầu tư phát triển trong những năm tới, tỉnh sẽ bổ sung vào quy hoạch sân bay lưỡng dụng với diện tích 200ha, thuận lợi để lập dự án xây dựng sân bay phục vụ phát triển kinh tế kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng trong những năm tiếp theo.

Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, Bình Dương sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông vận tải mang tính liên kết vùng, theo hướng đô thị hóa và xây dựng thành phố thông minh.

Mục tiêu đề ra là hệ thống giao thông phải đi trước dẫn đường cho phát triển kinh tế - xã hội với điểm nhấn Bình Dương là đô thị - công nghiệp hiện đại có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, liên kết vùng vừa giải quyết nhanh chóng nhu cầu đi lại, giao lưu vận chuyển hàng hóa nội tỉnh vừa dễ dàng hòa vào mạng lưới giao thông quốc gia, vùng Đông Nam Bộ và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam lẫn vận tải hàng hóa quốc tế qua hệ thống đường bộ, đường thủy, đường hàng không.

Tỉnh đang tập trung triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường vành đai 3 và 4, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành cùng với việc phát triển hệ thống bến thủy, bến cảng nội địa kết hợp giao thông đường thủy, đường sắt đô thị, xe buýt nhanh, metro... Ngoài ra, tỉnh còn bổ sung vào quy hoạch một sân bay lưỡng dụng phục vụ du lịch, thương mại kết hợp an ninh quốc phòng được xác định trên nền sân bay được quy hoạch trước đây ở huyện Dầu Tiếng.

dautieng.png
Một góc huyện Dầu Tiếng

Để phát triển huyện Dầu Tiếng nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung, UBND tỉnh Bình Dương đã lập báo cáo “Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí rừng phòng hộ Núi Cậu có tổng diện tích khoảng 1.600 ha, gồm 21 ngọn núi lớn nhỏ ở khu vực xã Định Thành thành khu du lịch sinh thái gắn liền với hồ Dầu Tiếng” giai đoạn 2021 - 2030. Đây là đề án trọng điểm trong chiến lược quy hoạch phát triển nhóm ngành thương mại - dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho hay, hiện dư địa phát triển của tỉnh không còn nhiều. Mặt khác, tỉnh đang phải tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật để tạo ra động lực, dư địa phát triển cho giai đoạn tiếp theo; trọng tâm là đầu tư phát triển đa dạng các hình thức giao thông đường thủy, đường bộ và đường sắt đồng bộ, hiện đại, liên kết vùng.

Tỉnh quyết tâm đến cuối năm 2023 hoàn thành toàn tuyến đường nối ba huyện Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng; đến ngày 30/4/2024 hoàn thành nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13; tháng 10/2025 hoàn thành đường cao tốc Vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh. Đầu năm 2024, tỉnh đồng loạt khởi công cụm công trình đường cao tốc Vành đai 4, cảng An Tây; đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và đường ven sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một đến Thuận An kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh.

Tỉnh tiếp tục thúc đẩy triển khai sớm việc nâng độ tĩnh không cầu Bình Triệu để phát huy hiệu quả, lợi thế vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy trên sông Sài Gòn; nghiên cứu phát triển hệ thống đường sắt hàng hóa từ Bàu Bàng về Cảng Cái Mép và hệ thống đường sắt đô thị từ Suối Tiên về thành phố mới Bình Dương. 

Để thực hiện được các nhiệm vụ này, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị có nhiều giải pháp để huy động đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư của tư nhân; tăng thu ngân sách, tiết kiệm chi, từ năm 2024 đảm bảo chi cho đầu tư phát triển từ 50% trở lên trong tổng nguồn thu, gắn với huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất. Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; thực hiện có hiệu quả các phương thức đầu tư.

Cửu Long