UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 3381/QĐ-UBND về Đề án "Đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2026".
Theo đó, Đề án nhằm đánh giá khách quan, trung thực chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước, lấy người dân làm trung tâm, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình theo các mục tiêu của Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch Cải cách hành chính tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025.
Theo quyết định, việc đo lường sự hài lòng của người dân được thực hiện đối với 3 khía cạnh: Nhận định, đánh giá của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước; Mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước và nhu cầu, mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Mục tiêu của việc đo lường theo UBND tỉnh nhằm xây dựng khung đo lường sự hài lòng áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh giai đoạn 2024- 2026. Hằng năm, tiến hành đo lường và công bố chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đối với các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh (chỉ số SIPAS).
Cung cấp cho cơ quan đơn vị, địa phươg các thông tin khách quan về nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng, nhu cầu, mong đợi của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước dựa trên cảm nhận của người dân. Đồng thời, nâng cao nhận thức, văn hóa thực thi công vụ lấy người dân làm trung tâm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
“Thông qua đó, các cơ quan đơn vị có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm cải thiện, câng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và sự hài lòng của người dân. Tạo điều kiện, cơ hội để người dân tham gia vào quá trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030, kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021- 2025” - UBND tỉnh Bình Dương thông tin.
Được biết, tỉnh sẽ tích hợp ứng dụng hệ thống phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong tổng hợp kết qua đo lường sự hài lòng gắn với đánh giá chỉ số cải cách hành chính các cơ quan địa phương trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về kết quả đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh. Kết quả đo lường sự hài lòng của người dân được thể hiện qua một Bộ chỉ số, gồm 3 nhóm: Nhóm các chỉ số nhận định, đánh giá của người dân; nhóm các chỉ số hài lòng của người dân; nhóm các chỉ số nhu cầu, mong đợi của người dân.
UBND tỉnh giao Sở Nội vụ hàng năm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành và triển khai kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh; xây dựng báo cáo, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, công bố Chỉ số SIPAS của các cơ quan, đơn vị.
Sở này cũng được yêu cầu báo cáo Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh kịp thời, đầy đủ gắn với kỳ đánh giá Chỉ số Cải cách hành chính của các cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời theo dõi, đánh giá, báo cáo UBND tỉnh về việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, chương trình, kế hoạch hành động khắc phục các tồn tại, nâng cao chất lượng phục vụ người dân của các đơn vị, địa phương. Định kỳ nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung đề án nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu của cải cách hành chính, thực tiễn của tỉnh và của Trung ương.
UBND tỉnh cũng giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.
Ngô Huyền