Ông Chang Koon Yuen sinh năm 1954, quốc tịch Singapore là nguyên đơn trong vụ án tranh chấp tài sản chung sau ly hôn với bà Châu Hồng Loan được tòa án nhân dân quận 2 xét xử sơ thẩm theo bản án số 70/2018/HN-ST.

Theo đơn tố cáo, từ những năm đầu Việt Nam mở cửa (1986), ông Chang đã đến Việt Nam đầu tư, làm việc. Công việc chủ yếu của ông là hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam để lắp đặt, vận hành có dây chuyền sản xuất chủ yếu tại các khu công nghiệp Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Đông Anh Hà Nội, Hải Phòng,...

{keywords}
Theo ông Chang, nguồn gốc tài sản chủ yếu do tiền mẹ ông gửi từ Singapore với khoảng 3 triệu USD và công sức đóng góp của ông.

Năm 1996, ông quen bà Châu Hồng Loan. Vào năm 2003 ông và bà Loan kết hôn rồi sau đó ly hôn vào ngày 13/4/2016.

Trong thời kỳ hôn nhân, ông Chang và bà Loan sở hữu chung 8 tài sản gồm đất và nhà ở 184 Bàu Cát, Tân Bình, tp. HCM; Đất và nhà ở Đông Nhì, Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương; Đất và nhà ở Do Nha, Tân Tiến, An Dương, Hải Phòng; Đất và nhà ở 218 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, quận 2; Đất và nhà tại 215G Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, quận 2; Đất tại thửa đất số 303, tờ bản đồ 18, Thảo Điền, quận 2; Đất tại Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội; cùng đất và nhà tại 220 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, quận 2.

Theo đó, ông Chang khởi kiện yêu cầu sau khi ly hôn, ông phải được chia 80% giá trị các tài sản nêu trên bởi vì nguồn gốc tài sản chủ yếu do tiền mẹ ông gửi từ Singapore với khoảng 3 triệu USD và công sức đóng góp của ông.

Tuy nhiên, theo đơn tố cáo, ông Chan cho rằng, thẩm phán Phùng Thị Như Mai và tòa án quận 2 đã đưa ra một bản án cực kỳ vô lý, trái với ngay cả hiểu biết của một người bình thường.

Cụ thể, mặc dù với tổng khối tài sản trong thời kỳ hôn nhân trị giá hơn 400 tỷ đồng nhưng phán quyết của tòa chỉ yêu cầu bà Châu Hồng Loan có nghĩa vụ thanh toán cho ông Chang 6.350.259.493 đồng.

Đặc biệt, theo ông Chang, tòa án đã dựa vào giấy mượn tiền giả tạo giữa bà Loan và bà Đinh Mai Hương với nợ gốc 6,6 tỷ đồng và lãi từ năm 2007 đến nay là 8.880.300.000 đồng, khiến tổng số nợ lên đến 15.480.300.000 đồng.

Theo lý giải đó, tòa án yêu cầu ông Chang phải thanh toán số tiền 7.740.150.000 đồng cho bà Đinh Mai Hương.

“Tòa án chỉ đơn thuần dựa vào giấy mượn tiền giả tạo để cho rằng đó là nợ chung của vợ chồng. Tôi hoàn toàn không biết giấy mượn tiền này tồn tại cho đến khi toà nói rằng có yêu cầu độc lập từ bà Đinh Mai Hương”, ông Chang cho biết.

Như vậy, với phán quyết của tòa án quận 2, sau khi ông Chang đòi chia tài sản chung trong khối tài sản hơn 400 tỷ đồng thì ông lại phải trả số tiền 1.389.890.507 đồng mà không được hưởng lợi ích gì từ khối tài sản này.

Đáng nói, vụ án này không thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án cấp huyện và ông Chang đã nhiều lần đề nghị tòa án nhân dân quận 2 chuyển vụ án lên tòa án nhân dân tp. HCM để xét xử đúng thẩm quyền nhưng thẩm phán Phùng Thị Như Mai và toàn dân nhân dân quận 2 vẫn cố tình không chuyển, cũng như không trả lời đối với đơn đề nghị của ông Chang.

Theo ông Chang, bà Châu Hồng Loan đã lập ra giấy mượn tiền giả dối với bà Đinh Mai Hương.

Giải thích cho giả thiết này, ông Chang cho rằng, vì từ trước đến nay ông không hay biết đến giấy vay mượn tiền đó, ông cũng không biết bà Đinh Mai Hương là ai. “Không có một người bình thường nào cho người khác vay từ năm 2007 số tiền 3,1 tỷ đồng rồi đến năm 2008 lại cho vay tiếp 3,5 tỷ đồng trong khi mới trả được vài tháng tiền lãi rồi không trả nữa”, ông Chang lý giải.

Hơn nữa, nếu việc Bà loan vay riêng là có thật thì cũng đã hết thời hiệu để đòi tiền lãi là 12 năm.

Theo chia sẻ của ông Chang, Bà Châu Hồng Loan chỉ là một người phụ nữ bình thường, không có công ăn việc làm ổn định, không có đóng góp vào các tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

“Có lẽ chưa có vụ án dân sự nào mà tòa án lại phán quyết một cách vô lý đến vậy”, ông Chang nói thêm.

(Theo Dân trí)