Mới đây đã có Quyết định số 130/QĐ-STTTT của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Bình Dương về việc ban hành Quy chế sử dụng chữ ký số trên văn bản điện tử của Sở. Theo đó Cổng thông tin điện tử Sở TT&TT tỉnh Bình Dương đăng tải, từ ngày 16/11 Sở chính thức sử dụng chữ ký số trên tất cả các văn bản gửi đi qua môi trường mạng. Tuy nhiên, không áp dụng đối với các văn bản mật, các giấy tờ có giá, giấy rút tiền mặt, giấy chuyển khoản, cam kết chi, các loại hợp đồng giao dịch.
Ứng dụng chữ ký số là xu thế tất yếu trong trao đổi văn bản cơ quan Nhà nước song việc gửi văn bản mật hay công văn khẩn, hỏa tốc qua mạng vẫn vướng mắc, bất cập từ nhiều năm nay. Ông Phùng Văn Ổn, Giám đốc Trung tâm CNTT Văn phòng Chính phủ từ nhiều năm trước cho biết qua thử nghiệm trao đổi dữ liệu điện tử giữa Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Trung ương Đảng cho thấy với loại văn bản mật thì khó có thể gửi qua mạng do Nhà nước hiện chưa có quy định cụ thể để đảm bảo tính bảo mật cao nhất. “Khi văn bản được gửi đến một người là A, thì nếu anh A đó lại gửi tiếp cho người khác thì không thể kiểm soát”, ông Ổn cho biết thêm.
Khi đó ông Trần Nguyên Vũ - Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê Tài chính Bộ Tài chính cũng thừa nhận việc kiểm soát được như đối với văn bản mật bằng giấy so với văn bản mật điện tử là rất nan giải.
Hiện tại bước sang năm 2015, toàn bộ 100% văn bản của các cơ quan hành chính trên địa bàn TP.HCM được thực hiện gửi và nhận qua Hệ thống phần mềm Quản lý văn bản, tuy nhiên cũng vẫn ngoại trừ văn bản mật.