Ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, được Bình Định xác định là một trong những hướng đi khác biệt, lĩnh vực chiến lược để tỉnh bứt phá. Bình Định đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, AI và an ninh mạng. Mục tiêu đến năm 2030, phát triển nguồn nhân lực khoảng 8.000 người; tăng cường giáo dục STEM trong các trường học.
Trong đó, Sở GD&ĐT được Chủ tịch UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với Sở KH&CN xây dựng “Đề án phát triển giáo dục STEM trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2025 - 2030”; giao Trường Đại học Quy Nhơn chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh và các cơ sở giáo dục trong, ngoài tỉnh nghiên cứu, xây dựng “Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2025 - 2030”.
Đến nay, Đề án phát triển giáo dục STEM trên địa bàn tỉnh đang được Sở GD&ĐT hoàn thiện để trình UBND tỉnh.
Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định về vấn đề này.
- Thưa ông, hiện nay, công tác đào tạo, phát triển nhân lực số tại Bình Định đang được thực hiện ra sao, hàng năm cung cấp khoảng bao nhiêu nhân lực?
Tại địa bàn tỉnh Bình Định hiện có 3 cơ sở giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT quản lý là Đại học Quy Nhơn, Phân hiệu Đại học FPT Quy Nhơn và Đại học Quang Trung; Trong các trường cao đẳng có tổ chức đào tạo trên địa bàn tỉnh thì Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn và Cao đẳng FPT có các chuyên ngành đào tạo về nhân lực số.
Mỗi năm số lượng sinh viên chuyên ngành gần hoặc liên quan đến Khoa học máy tính, Điện tử, Trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng được các trường đào tạo khoảng 800 sinh viên.
- Được biết, tỉnh đã giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp xây dựng Đề án phát triển giáo dục STEM. Việc tăng cường giáo dục STEM có vai trò như thế nào trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thưa ông?
Giáo dục STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể.
Tăng cường giáo dục STEM nhằm thúc đẩy khả năng tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề và kỹ năng kỹ thuật số cho thế hệ trẻ hướng đến từng bước cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng của tỉnh; thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong giáo dục, hiện đại hóa hệ thống giáo dục để hỗ trợ quá trình học tập và phát triển các kỹ năng cần thiết.
Xác định tầm quan trọng của giáo dục STEM, ngay từ năm 2020, Sở đã có công văn về việc triển khai thực hiện giáo dục STEM trong giáo dục trung học, yêu cầu các trường tiếp tục triển khai thực hiện giáo dục STEM, AI và làm căn cứ để đánh giá chất lượng giáo dục của đơn vị.
Hiện nay, giáo dục STEM được triển khai với 3 hình thức: Bài học STEM, hoạt động trải nghiệm và hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Trong đó, hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho những học sinh có năng lực, sở thích và hứng thú với các hoạt động tìm tòi, khám phá khoa học, kỹ thuật giải quyết các vấn đề thực tiễn; thông qua quá trình tổ chức dạy học các bài học STEM và hoạt động trải nghiệm STEM phát hiện các học sinh có năng khiếu để bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Để nâng cao hiệu quả giáo dục STEM, AI trong giáo dục trung học, trong thời gian tới, Sở GD&ĐT tập trung bồi dưỡng đội ngũ thực hiện công tác giáo dục STEM, AI trong trường học; khuyến khích và tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh nhất là các trường THPT chuyên sử dụng AI để khai thác và mở rộng kiến thức bài giảng, chuyên đề học tập, chuyên đề chuyên sâu để giảng dạy…
Đồng thời, đẩy mạnh, nhân rộng một số kinh nghiệm và mô hình giáo dục tiên tiến của giáo dục STEM, AI; đẩy mạnh sự hợp tác, hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo, các trường đại học, Trung tâm Quốc tế khoa học và Giáo dục liên ngành, Trung tâm Khám phá Khoa học Quy Nhơn... và các đơn vị bạn hỗ trợ, nâng cao các sản phẩm STEM, AI trở thành các dự án khoa học kỹ thuật.
Bên cạnh đó, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, đặc biệt là các phòng thí nghiệm, thực hành có trang thiết bị hiện đại.
- Theo ông, việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp, bán dẫn, AI, an ninh mạng có ý nghĩa như thế nào đối với Bình Định?
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Ngành bán dẫn và AI là nền tảng của công nghiệp 4.0.
Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đảm bảo cho sự phát triển và ứng dụng thành công công nghệ tiên tiến này, từ đó thúc đẩy các ngành công nghiệp khác tăng trưởng, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và gia tăng giá trị kinh tế do đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc sở hữu nguồn nhân lực có chuyên môn cao là cần thiết để nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới. Nhân lực trong ngành bán dẫn và AI giúp giữ vững vị thế và thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo, từ đó xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững.
Khi có nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn và AI giúp thu hút sự đầu tư của các tập đoàn quốc tế. Việc này còn giúp chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng lao động và thúc đẩy kinh tế.
Ngoài ra, đào tạo và phát triển nhân lực trong nước giúp giảm sự phụ thuộc vào công nghệ và nhân lực từ các quốc gia khác, nâng cao tính tự chủ công nghệ, bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như bán dẫn và AI.
Diệu Thùy (thực hiện)