Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, tỉnh quan tâm đến công tác an sinh xã hội, quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm tốt công tác giảm nghèo. Quyết tâm, khẩn trương nhưng phải bền vững, thực chất.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 luôn đề ra mục tiêu ưu tiên nguồn lực, mở rộng và phát triển toàn diện các lĩnh vực an sinh xã hội, thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo hiệu quả, bền vững...
Theo bà Đỗ Thị Diệu Hạnh - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, trong giai đoạn 2021 - 2024, đã có hơn 25.000 hộ nghèo thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 1,44%/năm. Đã có hơn 14.000 hộ cận nghèo thoát cận nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm bình quân 1,12%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 3,49%/năm với hơn 7.500 hộ nghèo dân tộc thiểu số thoát nghèo.
Đáng chú ý, huyện nghèo An Lão có tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 8,41%/năm với 2.990 hộ nghèo thoát nghèo; tỷ lệ giảm hộ cận nghèo bình quân 4,5%/năm với 1.223 hộ cận nghèo thoát cận nghèo. Với các giải pháp trọng tâm, huyện An Lão đang tiến gần đến mục tiêu thoát nghèo trong năm 2025.
“So với mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2024 còn 1,02%, dự kiến sẽ thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung cả nước (dự kiến còn 1,93%). Dự kiến đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 0,69%, duy trì thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung cả nước (dự kiến còn 0,9% - 0,8%)”, bà Hạnh thông tin.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Bình Định đã thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 7.329 hộ nghèo, hộ cận nghèo; trong đó có 5.905 hộ được hỗ trợ xây dựng mới nhà ở; 1.424 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở.
Đến nay, đã có hơn 409 dự án phát triển sản xuất được đầu tư nhân rộng, giúp cải thiện điều kiện kinh tế hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó vươn lên thoát nghèo.
UBND tỉnh Bình Định vừa có kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đến năm 2025.
Đối tượng được hỗ trợ nhà ở là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều được quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; có tên trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND xã quản lý.
Theo kế hoạch này, đến năm 2025, tỉnh Bình Định sẽ dành 46,8 tỷ đồng để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.056 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, có 818 hộ được hỗ trợ xây dựng mới nhà nhà ở, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ gia đình; 238 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà ở, mức hỗ trợ 25 triệu đồng/hộ gia đình.
Bên cạnh xóa nhà tạm, tỉnh Bình Định cũng có chính sách hỗ trợ trong khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo và một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Trong đó, hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng khó khăn trong thời gian điều trị nội trú ở các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh từ tuyến huyện trở lên. Mức hỗ trợ 60.000 đồng/người/ngày.
Các đối tượng này còn được hỗ trợ tiền đi lại từ nơi ở đến cơ sở y tế, từ cơ sở y tế về nơi ở và chuyển bệnh viện trong thời gian điều trị nội trú tại các cơ sở y tế công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh từ tuyến huyện trở lên đối với các trường hợp cấp cứu, tử vong tại cơ sở y tế hoặc trường hợp bệnh quá nặng, người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được BHYT chi trả. Mức hỗ trợ tương ứng với 0,2 L xăng/km (tính theo quãng đường di chuyển thực tế và giá xăng tại thời điểm sử dụng) và các chi phí cầu, phà, phí đường bộ (nếu có).
Đối với người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim gặp khó khăn, không đủ khả năng chi trả viện phí, hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phần người bệnh phải đồng chi trả theo quy định hiện hành của Nhà nước về BHYT…
Kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện, thị xã, thành phố theo quy định phân cấp hiện hành.
Ngoài ra, Bình Định cũng có nhiều chính sách nhân văn như: hỗ trợ cho các nghệ sĩ nghỉ hưu, nghệ nhân đang thực hiện hoạt động bảo tồn nghệ thuật; hỗ trợ tạo sinh kế; có chính sách hỗ trợ người có công, người có công và thân nhân người có công với cách mạng nhân dịp lễ, Tết.
HĐND tỉnh Bình Định vừa thông qua Nghị quyết về Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định. Chính sách này giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất, tự lực vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh có 12.000 căn hộ nhà ở xã hội dành cho cư dân đô thị, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp, người lao động tự do, sớm hơn 5 năm theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh tại đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.
Để làm được việc này, Bình Định quan tâm hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các dự án nhà ở xã hội nhằm giảm giá bán nhà ở xã hội ở mức dưới 12 triệu/m2, giúp người lao động tiếp cận việc mua nhà ở xã hội.
Tại buổi làm việc về kết quả triển khai, tổ chức thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về lao động, thương binh và xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã yêu cầu các địa phương tập trung giảm nghèo về thu nhập, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm cho hộ nghèo.
Về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, ông Tuấn yêu cầu số liệu thống kê phải thực chất, công bằng, đúng đối tượng, các địa phương phải khẩn trương thành lập ban chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ, hằng tháng có báo cáo tiến độ cho tỉnh. Mục tiêu là phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trước khi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Trong kế hoạch số 117/KH-UBND thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định, địa phương này đặt ra mục tiêu năm 2025, tiếp tục duy trì tỷ lệ nghèo của tỉnh thấp hơn bình quân chung của cả nước. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh dưới 0,7% so với tỷ lệ hộ nghèo cả nước (dự kiến cả nước còn từ 0,9%-0,8%). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3%/năm đến 4%/năm.
Trong đó, tỉnh nỗ luẹc đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận đầy đủ thẻ BHYT. Hỗ trợ về giáo dục và đào tạo cho gần 100.000 trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông, sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ vay tín dụng học sinh, sinh viên...
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm tốt công tác giảm nghèo. Do đó, yêu cầu các ngành, địa phương rà soát lại các chính sách của UBND, HĐND tỉnh, của Trung ương, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc cơ chế chưa đủ mạnh để giải quyết các vấn đề về việc làm, đào tạo nghề, vay vốn… cho hộ nghèo thì nhanh chóng tham mưu, đề xuất lên cấp có thẩm quyền.
“Tỉnh sẽ tiếp tục dành nguồn lực, kể cả huy động nguồn lực ngoài ngân sách để hỗ trợ, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ tới, Bình Định quyết tâm đưa vào chỉ tiêu sẽ là một trong những tỉnh tiên phong về xóa hộ nghèo, đặt mục tiêu không còn hộ nghèo trong những năm đầu nhiệm kỳ”, Bí thư tỉnh Bình Định nhấn mạnh.
Hồ Giáp