Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) là cảng có năng lực tiếp nhận tàu có chiều dài đến 40m; Tổng sản lượng bốc dỡ hàng hóa 40.000 tấn/năm, trong đó tổng sản lượng thủy sản lên cảng đạt 37.000 tấn/năm.
Với mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa đại dương do các hoạt động sinh hoạt và đánh bắt của các tàu cá trên biển, giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho khối lao động phi chính thức thông qua việc tổ chức thu gom, phân loại, tái chế rác thải nhựa phát sinh trong sản xuất của ngành thủy sản, Chi cục Chi cục Thủy sản Bình Định đã có Báo cáo đánh giá hiện trạng sử dụng, phát sinh và quản lý chất thải nhựa từ các hoạt động thủy sản và mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu tại cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Báo cáo được xây dựng trên cơ sở địa điểm thực hiện là cảng cá Quy nhơn, tỉnh Bình Định. Thí điểm khoảng 100 tàu cá thường xuyên ra, vào cảng cá Quy Nhơn và mở rộng khoảng 100 tàu cá tại cảng cá Đề Gi, cảng cá Tam Quan. Thời gian triển khai từ tháng 02/2023 đến tháng 12/2023
Nguyên tắc hoạt động mô hình dựa trên 3 mắt xích chính: quản lý rác thải tàu cá trên tàu cá; quản lý rác thải tàu cá tại cảng cá; quản lý rác thải tàu cá tại cơ sở MRF. 3 mắc xích chính có quan hệ tương tác chặt chẽ, tuần hoàn theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Quản lý rác thải nhựa trên tàu cá có quy định trách nhiệm của thuyền viên trên tàu cá như không xả các loại rác thải sinh hoạt trên tàu cá như: chai nhựa, bì nhựa, ống hút, hộp xốp, ly, chén nhựa, dĩa nhựa... và các loại ngư cụ bị hỏng xuống biển và các vùng nước thuộc cảng...; mỗi thuyền viên làm việc trên tàu cá có trách nhiệm thu gom rác thải sinh hoạt và bỏ vào các thùng đựng, túi đựng rác thải đặt trên tàu.
Khi tàu chuẩn bị xuất cảng, thuyền trưởng ghi vào Tờ khai các loại nước uống, thực phẩm sinh hoạt và các loại bao bì sử dụng trên tàu cá cho cảng cá biết và theo dõi. Khi tàu cập cảng sau một chuyền biển, thuyền trưởng có trách nhiệm giao rác thải sinh hoạt của tàu cho tổ thu gom rác thải tại cảng cá và ký xác nhận lượng rác thải bàn giao.
Nguồn thu gom rác thải nhựa tại cảng cá với các tàu cá cập cảng sau mỗi chuyến biển: Rác thải nhựa tại chợ cá; rác thải nhựa trong vùng nước cảng cá; rác thải từ các hoạt động dịch vụ cảng cá Quy Nhơn.
Quản lý rác thải nhựa tàu cá tại cảng cá gồm ban quản lý cảng cá; Đội Kiểm tra, Kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá: Kiểm tra, xác nhận lượng nhựa mang đi trong chuyền biển; Đội Thu gom rác thải nhựa tàu cá: Thu gom và xác nhận lượng rác thải nhựa mang về trong chuyến biển.
Tại cơ sở MRF: Nhà thu gom, phân loại và đóng gói tại cảng cá; tái chế, tái sử dụng, vật liệu nhựa cho cảng cá.
TS. Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, hiệu quả mô hình có thể thấy: Giảm thiểu rác thải nhựa ra đại dương phát sinh từ sinh hoạt và sản xuất trên tàu cá khoảng 60 tấn. Mô hình đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng ngư dân trong việc giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Minh chứng cho mô hình kinh tế tuần hoàn việc nếu công tác thu hồi phế liệu sinh hoạt và trên các tàu cá tốt không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương mà còn làm tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho cộng đồng có liên quan đến lĩnh vực thu hồi, tái chế phế liệu ...
Mô hình sẽ giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động phi chính thức tại cảng cá, tạo thu nhập bình quân cho 1 lao động khoảng 3,6 triệu đồng/tháng. Mô hình sẽ được duy trì tính bền vững và tiếp tục triển khai và mở rộng trên địa bàn tỉnh cho khoảng 3.000 tàu cá xa bờ.