Toạ đàm nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh Bình Định gắn với phát triển du lịch đạt hiệu quả.
Sáng 19/10, Sở Du lịch phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức Tọa đàm "Phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi". Đây là hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Dự tọa đàm có đại diện một số sở, ngành, các huyện miền núi, Hiệp hội Du lịch Bình Định; đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định và một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, cơ sở homestay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các huyện: An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Tây Sơn.
Tại tọa đàm, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch đã phối hợp các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các huyện An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Vân Canh triển khai kế hoạch thực hiện Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030.
Giai đoạn từ năm 2021 đến 31/7/2023, Bình Định đã mời gọi, thu hút 17 dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng 49.747 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021 thu hút 9 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 39.540 tỷ đồng; năm 2022 thu hút 5 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 4.918 tỷ đồng; 6 tháng năm 2023 thu hút 3 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 5.289 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa mời gọi được các nhà đầu tư vào địa bàn các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân và Tây Sơn.
Cùng với đó, các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước tuy được tăng cường nhưng quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp nhu cầu thực tế ở cơ sở… Do vậy, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, sự điều chỉnh kịp thời để công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc và miền núi trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch đạt kết quả như mong đợi.
Đại diện các sở, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng đã trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch ở Bình Định. Từ đó, đưa ra những đánh giá về tiềm năng phát triển bền vững du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của khu vực; đề xuất các sản phẩm du lịch, khuyến nghị các cơ chế chính sách để thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, với trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Bình Định có ba huyện miền núi: An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh. Ngoài ra, huyện Tây Sơn, huyện Hoài Ân đều có ba xã miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Phù Cát có một xã miền núi có đồng bào dân tộc thiểu số.
Toàn tỉnh có 33 xã, thị trấn miền núi là nơi sinh sống của 39 đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 41 nghìn dân, chiếm hơn 2% dân số toàn tỉnh. 39 dân tộc thiểu số cư trú chủ yếu là dân tộc Bana, Chăm H'roi và H'rê sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát.