Ngày 10/10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ. Đây là một trong những sự kiện của Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ, do UBND tỉnh Bình Định đăng cai tổ chức ngày 11/10.
Dự hội nghị có lãnh đạo tỉnh Bình Định, lãnh đạo UBND TPHCM và các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận; các chuyên gia cùng đại diện hơn 100 doanh nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ, vùng Duyên hải Trung bộ có tiềm năng, lợi thế để phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là kinh tế biển, cảng biển.
Đặc biệt, các địa phương trong vùng có vị trí địa lý gần TPHCM - đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước. Trong vùng còn nhiều khu, cụm công nghiệp với quỹ đất sạch lớn, chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện, đồng bộ.
Những năm qua, các địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất các ngành, lĩnh vực, góp phần thúc đẩy vùng Duyên hải Trung bộ dần trở thành một trong những vùng phát triển năng động hàng đầu cả nước.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, Bình Định đã vươn lên trở thành địa phương phát triển khá, quy mô nền kinh tế thay đổi qua từng năm.
Năm 2023, quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 117 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 24/63 địa phương trong cả nước và thứ 5/14 địa phương thuộc vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh tăng 7,53%, xếp vị trí 25/63 địa phương cả nước, xếp thứ 5/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.
Người đứng đầu UBND tỉnh Bình Định cho biết, quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc thù để phát triển, trở thành tỉnh có nền kinh tế công nghiệp, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao.
Tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và du lịch của vùng Duyên hải Trung bộ và Tây Nguyên; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; đầu mối giao thương kinh tế, đối ngoại quan trọng giữa Việt Nam với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế.
“Phát huy lợi thế của vùng, tiềm năng sẵn có của địa phương, Bình Định tập trung mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh”, ông Tuấn nói.
Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, khi đầu tư tại Bình Định nói riêng và các địa phương vùng Duyên hải Trung bộ nói chung, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ luôn được tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án thành công và phát triển bền vững.
“Riêng đối với Bình Định, chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ hỗ trợ nhà đầu tư từ việc hình thành ý tưởng, tìm kiếm cơ hội đầu tư đến xây dựng dự án và triển khai hoạt động nhanh chóng, hiệu quả. Bình Định không ngừng cải cách thủ tục hành chính và đổi mới phong cách làm việc,... để kịp thời nắm bắt, giải quyết các yêu cầu và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất”, Chủ tịch tỉnh Bình Định khẳng định.