Mới đây đã có báo cáo về tình hình ứng dụng CNTT của huyện Vĩnh Thạnh trên Cổng thông tin điện tử Sở Thông tin & Truyền thông (Sở TT&TT) tỉnh Bình Định. Theo đó huyện Vĩnh Thạnh đặt mục tiêu đưa ứng dụng CNTT gắn với thúc đẩy cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Huyện Vĩnh Thạnh cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc hành chính qua môi trường mạng để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời nâng cao trình độ CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong điều kiện hiện nay.
Trong năm 2017, huyện Vĩnh Thạnh đã đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị CNTT trang bị cho Văn phòng HĐND huyện và UBND các các xã, thị trấn; cụ thể đã trang bị cho Văn phòng HĐND huyện và UBND 9 xã, thị trấn 11 máy scan; tiếp nhận và chuyển giao 16 thiết bị lưu khóa bí mật cá nhân và 1 thiết bị lưu khóa bí mật tổ chức để áp dụng chữ ký số tại UBND huyện và các phòng, ban trực thuộc.
Đáng chú ý về công tác an toàn, an ninh thông tin, trong năm 2017 huyện Vĩnh Thạnh đã cử 26 lượt cán bộ tham gia lớp tập huấn về an toàn, an ninh thông tin do Sở TT&TT tỉnh tổ chức.
Huyện Vĩnh Thạnh cũng tổ chức chuyển giao, hỗ trợ sử dụng hệ thống văn phòng điện tử, thư điện tử công vụ và ứng dụng chữ ký số cho hơn 350 cán bộ, công chức tại các phòng, ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn, đáp ứng kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong năm qua huyện Vĩnh Thạnh đã cử 26 lượt cán bộ tham gia lớp tập huấn về an toàn, an ninh thông tin do Sở TT&TT tỉnh Bình Định tổ chức đào tạo (ảnh minh họa). |
Việc một huyện như Vĩnh Thạnh có quan tâm đến công tác đào tạo an toàn, an ninh thông tin sẽ góp phần cải thiện mặt bằng chung cho tỉnh Bình Định trong bối cảnh thường xuyên diễn ra các đợt tấn công mạng quy mô như hiện nay.
Trong buổi diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng khu vực ASEAN - ACID 2018 ngày 5/9 được tổ chức với sự tham gia của 18 đội CERT đến từ 15 nước gồm các nước khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Đường, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT đã đưa ra nhiều thống kê tổng quan đáng lo ngại.
Theo đó, Việt Nam luôn đứng đầu về nguy cơ an toàn thông tin mạng. Việt Nam đứng thứ 5 trong top 10 quốc gia bị tấn công DDoS nhiều nhất trong quý IV/2017. Và với 637.395 máy tính bị kiểm soát nằm trong mạng máy tính ma (botnet), Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng botnet.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, các trang/cổng thông tin điện tử của Việt Nam bị tấn công với tần suất rất lớn. Thống kê của VNCERT cho thấy, trong năm ngoái hệ thống giám sát của Trung tâm ghi nhận có 13.382 sự cố tấn công mạng vào các website của Việt Nam, trong đó có 5.215 sự cố cài mã độc (malware); 4.155 sự cố tấn công thay đổi giao diện trang web (deface); số sự cố tấn công lừa đảo (phishing) là 2.101 sự cố.