Bình Định bổ sung nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh
Cũng như nhiều địa phương khác, Bình Định đã mở rộng chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo về chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh cho Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh mình. (Ảnh minh họa: Internet) 

Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định vừa được UBND tỉnh ban hành ngày 1/3.

Gồm có 19 thành viên, Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định có Trưởng ban là Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực CNTT và Phó Trưởng ban là Giám đốc Sở TT&TT.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo này còn có 16 thành viên là lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh, bao gồm: Giám đốc Công an tỉnh; Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Công Thương, Xây dựng, Tài chính, KH&ĐT, GD&ĐT, KH&CN, TN&MT; Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực CNTT; Phó Giám đốc Sở TT&TT phụ trách lĩnh vực CNTT cùng Giám đốc 4 doanh nghiệp là Bưu điện tỉnh, VNPT Bình Định, Viettel Bình Định và FPT Telecom Bình Định.

Một trong những nhiệm vụ của Ban chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định là tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh.

Ban chỉ đạo cũng có các nhiệm vụ: Giúp UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh; Giúp UBND tỉnh điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh.

Đồng thời, tham gia ý kiến đối với các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và đô thị thông minh thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh…

Trước đó, vào ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 701 kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử. Theo Quyết định này, chức năng , nhiệm vụ của Ủy ban đã được mở rộng để chỉ đạo thêm các nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh.

Thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có quyết định kiện toàn, mở rộng các chức năng, nhiệm vụ tương ứng cho Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/ Chính quyền điện tử của bộ, tỉnh. Từ đây, công tác tổ chức, chỉ đạo điều hành chuyển đổi số, kinh tế số và đô thị thông minh được thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. 

Để cụ thể hóa việc triển khai có hiệu quả, đúng mục tiêu Quyết định 749 ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia, ngày 26/11/2020, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh.

Là căn cứ để các ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, đơn vị mình, Kế hoạch hướng tới thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh cao, phát triển kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tỉnh Bình Định.

Cũng tại Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bình Định, UBND tỉnh đã vạch rõ những mục tiêu cần đạt được trong các giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030 theo 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Theo đó, Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2025, 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp xã và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; kinh tế số chiếm 10% GRDP của tỉnh; hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới hơn 80% hộ gia đình và 100% xã; hơn 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử…

M.T

Kêu gọi người dân toàn tỉnh cài Hue-S, Huế muốn đẩy nhanh chuyển đổi số

Kêu gọi người dân toàn tỉnh cài Hue-S, Huế muốn đẩy nhanh chuyển đổi số

Ngoài hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai cài đặt ứng dụng Hue-S cho toàn dân trong tỉnh cũng để mỗi người hình thành thói quen sử dụng công nghệ, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.