Trong thời gian qua, công tác bảo vệ động, thực vật hoang dã duy trì đa dạng sinh học và phòng chống tội phạm mua bán, khai thác trái phép về đa dạng sinh học luôn được tỉnh Bình Định quan tâm. Vì vậy, ý thức của người dân ngày càng thay đổi, giảm tình trạng mua bán, nhốt nuôi trái phép.
Trường hợp của bà Lê Thị Giỏi (trú tại xã Cát Hanh, Phù Cát) tỉnh Bình Định mua lại hai cá thể khỉ đuôi lợn về chăm sóc. Khi được lực lượng kiểm lâm cùng địa phương tuyên truyền, bà Giỏi đã liên hệ cơ quan chức năng để tự nguyện nộp lại hai cá thể này. Sau đó, hai cá thể này đã được cơ quan chức năng thả về rừng đặc dụng An Toàn tại huyện An Lão.
Gia đình bà Trần Thị Như, (trú tại xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đã đến Hạt Kiểm lâm thị xã Hoài Nhơn tự nguyện giao nộp một con tê tê vàng có trọng lượng 0,2kg. Con tê tê vàng này đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình.
Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định thường xuyên tiếp nhận các cá thể động vật hoang dã. Từ năm 2022 tới nay, 12 cá thể động rừng thuộc diện nguy cấp đã được các tổ chức cá nhân giao nộp tự nguyện. Nhiều cá nhân còn đứng ra mua lại động vật hoang dã và mang tới giao lại cho cơ quan chức năng.
Khi tiếp nhận, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị, các Vườn quốc gia quanh khu vực tiến hành chăm sóc, thả về rừng các động vật phù hợp với môi trường tự nhiên. Các cơ sở nuôi cấy gây giống động, thực vật rừng cũng được cấp phép theo đúng quy định đặc biệt là động vật hoang dã quý hiếm nhóm II và thực vật hoang dã. Huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định có 32 cơ sở nuôi động vật rừng được cấp mã số với 495 cá thể cày hương, chim công. Các cơ sở đều phải tuân thủ đúng quy định nuôi và đăng ký giấy phép hành động. Cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra để tránh tình trạng mua bán động vật hoang dã trái phép tại các cơ sở nuôi này.
Năm 2023, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành kế hoạch “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Bình Định, giai đoạn: 2023-2025, 2026-2030 nhằm tại sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ các nguồn động thực vật, nguồn gen quý hiếm. Trong đó, các cơ quan chức năng được giao trách nhiệm tăng cương giám sát, kiểm tra phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan tới bảo vệ đa dạng sinh học. Tăng cường cơ sở vật chất, áp dụng khoa học kỹ thuật trong công tác bảo vệ đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.
Từ nay tới năm 2030, tỉnh Bình Định đưa ra 5 giải pháp quan trọng thực thi pháp luật về đa dạng sinh học:
Thứ nhất, tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm liên quan tới bảo vệ đa dạng sinh học. Các cơ sở tăng cường đấu tranh , phê phán hành vi nguy hiểm gây hại cho môi trường thiên nhiên. Các cán bộ làm công tác về đa dạng sinh học, hướng dẫn viên du lịch, người uy tín ở địa phương, người làm công tác thông tin cơ sở sẽ được tập huấn, tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng bảo tồn đa dạng sinh học.
Thứ hai, trong quý IV năm 2023, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.
Thứ ba, từ nay tới năm 2023, Bình Định yêu cầu các địa phương triển khai có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao tỷ lệ phát hiện, xử ý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học.
Thứ tư, xây dựng hệ thống trung tâm xử lý dữ liệu liên quan tới tội phạm về đa dạng sinh học, đầu tư cả về nhân lực và các phương tiện hiện đại, cơ sở vật chất, đường dây nóng cho hoạt động phòng chống tội phạm đa dạng sinh học.
Thứ năm, hợp tác với các tỉnh, các cơ quan tổ chức quốc tế đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học.