Nguy cơ mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu đã khiến cho một kiến trúc sư người Nga thiết kế một loại khách sạn nổi cực kỳ tiện dụng và thân thiện với môi trường.


“Con thuyền Noah mới" của kiến trúc sư Alexander Remizov

Đáng chú ý là “con thuyền Noah mới ” này còn có thể được xây dựng trên đất liền, tự cung tự cấp năng lượng và có thể được xây dựng xong trong vòng vài tháng ở khắp nơi trên thế giới.

Mặc dù mang tên “Con thuyền Noah” huyền thoại trong Kinh thánh, nhưng khách sạn nổi của kiến trúc sư Alexander Remizov lại trông giống như một con ốc khổng lồ và là một nơi trú nạn lý tưởng trong tương lai, nếu chẳng may thế giới lại phải đối mặt với một cơn Đại hồng thủy nữa.

Kiến trúc sư Remizov thiết kế khách sạn nổi này trong một cuộc thi của Hiệp hội kiến trúc quốc tế (International Union of Architects-UIA). Ông đã hợp tác với một hãng thiết kế Đức và nhà khoa học Nga Lev Britvin, người đã phát minh nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các nhà ga vũ trụ. Công việc trước mắt của kiến trúc sư Remizov là tìm kiếm được một nhà đầu tư để biến “Con thuyền Noah mới ” trở thành hiện thực.

Việc xây dựng khách sạn nổi mới này khá đơn giản và công việc lắp ráp các modul đã được tiêu chuẩn hóa và  sản xuất hàng loạt chỉ kéo dài có vài tháng. Đáng lưu ý là khách sạn nổi này có thể được xây dựng ở khắp nơi trên thế giới, kể cả ở những khu vực có động đất sóng thần. “Con thuyền Noah” mới của kiến trúc sư Remizov có diện tích sử dụng 14.000 mét vuông và có giá thành tương đương với một tòa nhà hiện đại.
 
“Con thuyền Noah mới” này được xây dựng bao quanh một trục trung tâm thẳng đứng gắn máy phát điện chạy bằng sức gió, được trang bị nhiều máy bơm để tận dụng sức gió, năng lượng mặt trời và địa nhiệt để “tự cung, tự cấp” năng lượng.

Kiến trúc sư Remizov không hề sử dụng các tấm kính trong việc xây dựng khách sản nổi này. Thay vào đó, ông sử dụng các màng nhựa tổng hợp tự làm sạch, cực bền và có thể chịu đựng được những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Không những thế, mái nhựa tổng hợp này còn có chức năng thu thập nước mưa.

Trong “Con thuyền Noah mới” của kiến trúc sư  Remizov còn có một rừng cây nhằm tạo ra một tiểu vùng khí hậu trong lành, phục vụ cho những người sinh sống trong khách sạn nổi.


Khách sạn này có thể nổi trên mặt nước...


… nhưng cũng có thể được lắp đặt trên đất liền. 


Cây cối trong khách sạn sẽ tạo ra một tiểu vùng khí hậu trong lành, một ốc đảo xanh tươi.


Khách sạn tương lai không dùng các tấm kính mà dùng màng nhựa tổng hợp
ethylene tetrafluoroethylene (ETFE): nhẹ hơn, bền vững và có sức chịu đựng
cao hơn, tự làm sạch và có khả năng tái chế.


Công nghệ sử dụng hiệu quả năng lượng: Sức gió, năng lượng mặt trời và địa nhiệt
có thể được lưu giữ 6 tháng ở tầng hầm và được biến thành điện năng.


Thời gian lắp ráp khách sạn độc đáo này chỉ kéo dài 3-4 tháng...


… và có diện tích sử dụng tới 14.000 mét vuông.

Minh Châu - Tầm Nhìn/Spiegel.de