Đã có rất nhiều dự đoán tiêu cực từ các nhà công nghệ hàng đầu trước sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây. Ví dụ như tỷ phú Elon Musk từng cho rằng AI còn nguy hiểm hơn cả tên lửa hạt nhân, hay nhà vật lý học huyền thoại Stephen Hawking cũng nhận định rất có thể AI sẽ là “sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử văn minh nhân loại”.
Tuy nhiên, nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates lại không nghĩ như vậy. Nói chính xác hơn, ông đã nhìn nhận vào những khía cạnh tích cực mà AI mang lại, trong đó có một nhận định khá ngộ nghĩnh: AI càng phát triển thì chúng ta càng có thêm nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Ông cho biết: “Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ được tận hưởng những kỳ nghỉ mát dài ngày hơn hiện tại”.
Lý giải về ý kiến của mình, Bill Gates nhận định machine learning sẽ giúp con người làm việc năng suất hơn và hoàn thành cùng một khối lượng công việc trong khoảng thời gian ngắn hơn. Ông tiếp tục chia sẻ: “Mục đích sống của nhân loại không chỉ là làm việc và kiếm tiền thôi đâu. Dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi, thư giãn cũng là một ý kiến tuyệt vời đấy chứ”.
Hiện tại, AI đang tỏ ra cực kỳ vượt trội trong một số lĩnh vực như giám sát, bảo mật hay sao chép khi có thể giải quyết các tác vụ nhanh hơn mà lại tốn ít chi phí đầu tư hơn. Bill Gates cho rằng: “Hiểu một cách đơn giản thì AI chỉ là một phần mềm được nâng cấp tốt hơn. Trong những môi trường có giá trị cao như phòng điều hành, nhà máy hay thậm chí là tòa án, trại giam, AI sẽ có thể giúp bạn dễ dàng ghi lại tất cả những lời nói, thông báo hay tuyên bố xung quanh. Ngoài ra, bạn còn có khả năng khai thác các nguồn lực hiệu quả hơn, nắm bắt tình hình tốt hơn cũng như tiêu tốn ít chi phí hơn. Tất cả là nhờ máy tính đã có thể nghe và nhìn giống hệt như con người”.
Dần dần, máy móc sẽ đủ khả năng để thay thế con người trong một số công việc nhất định. Và những người này có thể chuyển sang các lĩnh vực khác, ngành công nghiệp khác cần đến sự đóng góp của họ.
Bill Gates cho biết: “Về vấn đề dư thừa nguồn lao động, bạn có thể chuyển hướng nguồn lao động đến những công việc khác như giúp đỡ người già, trẻ nhỏ. Với sự giúp sức của AI, bạn sẽ cực kỳ năng suất và không bao giờ phải bận tâm đến việc thiếu hụt nguồn việc hay không có ai giúp đỡ cho bạn”.
Tuy nhiên, Bill Gates nhận định quá trình chuyển đổi này không phải chuyện “một sớm một chiều” và không dễ dàng như vậy. Ông cho rằng các chính phủ sẽ cần thiết lập một mạng lưới an toàn nhằm đào tạo lại toàn bộ nguồn nhân công. Điều khó khăn nhất nằm ở chỗ tốc độ thay đổi trong các thập kỷ tới đây sẽ còn nhanh hơn hiện tại gấp nhiều lần, dẫn đến số lượng nhân công cần đào tạo cũng sẽ tăng cao.
Bên cạnh đó, Elon Musk lại tin rằng biện pháp duy nhất là chính phủ sẽ phải thường xuyên trợ cấp cho mọi người bất kể nghề nghiệp của họ là gì. Trong một bài phỏng vấn với CNBC hồi tháng 11/2016, Musk cho biết: “Với sự phát triển của tự động hóa, rất có thể đa số nhân loại sẽ chỉ còn được hưởng những mức lương cơ bản nhất. Tôi không chắc họ có thể làm gì khác để thay đổi nhưng tôi nghĩ viễn cảnh này sẽ xảy ra”. Tuy nhiên, Bill Gates lại không hề nhắc đến vấn đề này trong cuộc trò chuyện với FOX tại Davos.
Đây không phải lần đầu tiên Bill Gates tỏ ra lạc quan về AI cũng như khẳng định nhân loại sẽ làm việc năng suất hơn, qua đó cải thiện đời sống xã hội. Tại Đại học Columbia vào năm 2017, ông đã cùng tỷ phú Warren Buffet thảo luận về vấn đề này.
Buffet cho biết: “Ý tưởng về việc tăng năng suất cho người lao động là rất tuyệt vời và không hề ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Nếu các công việc phức tạp hiện nay có thể được xử lý chỉ bằng một thao tác bấm nút, đó chẳng phải là một tín hiệu đáng mừng cho thế giới sao? Nhờ đó, chúng ta có thể giải phóng toàn bộ các tiềm năng cho mọi lĩnh vực khác”.
Bill Gates cũng tán thành với ý kiến trên: “Mục tiêu lớn nhất mà AI có thể đạt được là tạo ra các cơ hội. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận lại ảnh hưởng của công nghệ này đối với từng cá nhân và phải đảm bảo họ sẽ được hưởng đầy đủ những chính sách thu nhập cũng như giáo dục lại (về AI)”.
Theo GenK