Mảnh đất màu mỡ của kỷ nguyên số
Báo cáo hồi tháng 8 của Synergy Research Group cho biết cơ sở hạ tầng điện toán đám mây toàn cầu có trị giá tới 203 tỷ USD trong 12 tháng, kết thúc vào tháng 6/2022. Chỉ riêng trong quý II vừa qua, chi tiêu toàn cầu cho cloud đã tăng lên 55 tỷ USD. Trong giai đoạn 1 năm trước đó, con số này chỉ khoảng 130 tỷ USD.
John Dinsdale, Trưởng nhóm phân tích tại Synergy Research Group, nhấn mạnh: “Chúng tôi dự báo tăng trưởng sẽ diễn ra trên quy mô toàn cầu”.
Không chỉ có hạ tầng, các dịch vụ điện toán đám mây còn bao gồm Market Place, nơi có các phần mềm, ứng dụng riêng biệt do các bên thứ 3 phát triển đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng. Việc trả thuê bao theo tháng, quý hoặc năm khiến các doanh nghiệp không phải bỏ quá nhiều tiền đầu tư cơ sở hạ tầng hay duy trì đội ngũ IT đông đảo và tốn kém.
Chính những đặc điểm này khiến dịch vụ điện toán đám mây trở nên phù hợp một cách đặc biệt với các SME và start up, vốn gặp trở ngại lớn về năng lực và ngân sách dành cho công nghệ thông tin. Trong khi đó, việc đa dạng các ứng dụng trong một hệ sinh thái điện toán đám mây giúp đáp ứng mọi nhu cầu của các doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra, với điện toán đám mây, việc duy trì công việc có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, miễn là có Internet. Doanh số dành cho điện toán đám mây tăng với tốc độ 30%/năm chính là bằng chứng rõ rệt nhất về tiềm năng to lớn của lĩnh vực này.
Những số liệu thống kê cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự bùng nổ của cloud trong kỷ nguyên số. Thế nhưng, có một sự thực là 4 công ty lớn nhất trong lĩnh vực này lại chiếm lĩnh tới 70% thị phần toàn cầu. Trong đó, Amazon chiếm tới 34% thị phần, Azure của Micorsoft xếp ở vị trí thứ 2 với 21%, Google Cloud chiếm 10% còn Alibaba Cloud chiếm 5%.
Theo trang PCmag, khi nói tới các Big Tech, người ta vẫn tập trung nhiều vào quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân. Trong khi đó, chúng ta lại hiếm khi thảo luận về sự kiểm soát mà các doanh nghiệp này có trên phần lớn Internet. Mọi dữ liệu chúng ta dùng miễn phí hàng ngày đều được lưu trữ trên cloud. Tuy nhiên chúng ta có thể mất quyền truy cập vào dữ liệu của chính mình khi Big Tech đưa ra hạn chế.
Chủ động trên không gian mạng
Mất quyền truy cập dữ liệu không phải câu chuyện “trên mây” mà có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong các tranh chấp kinh tế, thậm chí là thiệt hại cho các quốc gia khi xảy ra tranh chấp địa chính trị.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud chiều 14/10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh dữ liệu cũng quan trọng như đất đai đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp Việt sử dụng hạ tầng đám mây trong nước.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hạ tầng điện toán đám mây Make in Vietnam và đặt ra yêu cầu các hạ tầng của người Việt phải có đầy đủ các dịch vụ, từ hạ tầng tính toán, lưu trữ, nền tảng số và phầm mềm đến công nghệ được phục vụ dưới dạng dịch vụ.
Viettel Cloud, hệ sinh thái điện toán đám mây của Việt Nam, có thể đáp ứng toàn bộ các yêu cầu đó. Thực tế, các dịch vụ cloud không phải sản phẩm mới của Tập đoàn Viettel. Các đơn vị, Tổng công ty của Viettel đã tạo ra các giải pháp, ứng dụng công nghệ trên nền tảng điện toán đám mây từ năm 2017-2018 nhưng chỉ phục vụ từng yêu cầu riêng biệt.
Chính thức tập hợp các “ốc đảo” này lại thành một hệ sinh thái, Viettel Cloud đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của một doanh nghiệp công nghệ lớn bậc nhất Việt Nam vào lĩnh vực điện toán đám mây. Hệ sinh thái cloud này giúp tăng khả năng cạnh tranh của Viettel với các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu trên chính sân nhà.
“Tuy nhiên, Viettel Cloud sẽ không chỉ cạnh tranh bằng niềm tự hào dân tộc. Với những ứng dụng được “may đo” theo nhu cầu của người Việt, phù hợp các quy định pháp lý, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý, chính quyền, doanh nghiệp và người dân hoàn toàn có thể vững tin với những gì Viettel Cloud mang lại cho mục tiêu chuyển đổi số sâu, rộng”, đại diện Viettel khẳng định.
Ở chiều ngược lại, việc các cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt sử dụng nền tảng điện toán đám mây Việt chính là sự đảm bảo cho quyền tiếp cận dữ liệu, vốn được coi là tài sản quý báu trong kỷ nguyên số. Các doanh nghiệp Việt cũng không lo lắng bị “xử ép” hay mất quyền truy cập thông tin của chính mình.
Trần Long