Những nỗ lực vận động hành lang để giúp các nhà làm luật soạn thảo dự luật có lợi cho bản thân là điều thường thấy ở phương Tây. 

Nhưng 3 trong số 5 Big Tech lớn nhất nước Mỹ là Alphabet (công ty mẹ Google), Facebook và Microsoft nằm trong nhóm chi nhiều tiền nhất cho vận động hành lang ở châu Âu là một điều đáng quan ngại, theo một nghiên cứu gần đây của Tổ chức quan sát và kiểm soát vận động hành lang châu Âu.

Ngân sách ở nhóm công nghệ đã vượt qua cả dược phẩm, nhiên liệu hóa thạch, tài chính và hóa học, báo cáo cho biết.

“Sức mạnh vận động hành lang ngày một tăng của các Big Tech và ngành công nghệ số nói chung phản ánh mức độ phát triển và vai trò ngày càng gia tăng của nhóm ngành này với xã hội”, trích báo cáo.

“Điều đáng chú ý và đáng lo ngại là các nền tảng công nghệ có thể dùng sức mạnh để đảm bảo tiếng nói của họ được lắng nghe, thay vì sự phản đối và phản biện, trong cuộc tranh luận của các nhà lập pháp về cách thức xây dựng quy tắc mới cho các nền tảng số”, báo cáo nhấn mạnh. 

{keywords}
Tất cả Big Tech nước Mỹ đều nằm trong Top 10 vận động hành lang nhiều nhất châu Âu.

Nghiên cứu thấy rằng 612 công ty, tổ chức và tập đoàn đã chi hơn 97 triệu Euro (114,4 triệu USD) mỗi năm để vận động hành lang trên các chính sách kinh tế số của châu Âu. Dữ liệu này được nộp lên Bản đăng ký minh bạch châu Âu hồi giữa tháng 6 năm nay.

Google đứng đầu trong số này với 5,75 triệu Euro bỏ ra, xếp thứ hai là Facebook với 5,5 triệu Euro, Microsoft thứ ba với 5,25 triệu Euro, theo sau là những ông lớn công nghệ khác như Apple (3,5 triệu Euro), Huawei (3 triệu Euro) và Amazon (2,75 triệu Euro).

Google và Huawei đã xác thực số liệu này trên Bản đăng ký minh bạch châu Âu. “Chúng tôi có những chính sách rõ ràng để bảo vệ sự độc lập của các tổ chức cá nhân mà chúng tôi tài trợ, bao gồm yêu cầu tiết lộ kinh phí”, Google trả lời trong một email gửi Reuters.

Trong khi đó, Microsoft khẳng định: “đang cố gắng trở thành một đối tác mang tính xây dựng và minh bạch với các nhà hoạch định chính sách châu Âu”. Còn Facebook, Apple và Amazon từ chối bình luận về vấn đề này.

{keywords}
Không chỉ công khai chi tiền cho vận động hành lang, Big Tech cũng làm việc với các tổ chức nghiên cứu, phân tích và vận động chính sách, phần nhiều trong số này không tiết lộ chi phí như Facebook.

Vận động hành lang của nhóm Big Tech tập trung vào hai phần chính là Đạo luật Thị trường kỹ thuật số và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số điều chỉnh các chính sách mà những gã khổng lồ công nghệ phải làm hoặc không được phép làm.

Nghiên cứu cũng cảnh báo rằng các nhà vận động hành lang đã tiếp cận 3/4 trên tổng số 270 cuộc họp của quan chức châu Âu về việc soạn thảo hai dự luật nói trên. Chưa kể vai trò của các hiệp hội, tổ chức tư vấn chính sách (think tank) và các đảng phái chính trị giúp sức cho các Big Tech.

Phương Nguyễn (Theo Reuters)

Dự luật của Hàn Quốc ‘chiếu tướng’ Big Tech Mỹ

Dự luật của Hàn Quốc ‘chiếu tướng’ Big Tech Mỹ

Thế độc quyền của những gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ như Apple hay Google tiếp tục bị lung lay dữ dội bởi dự luật sửa đổi sắp được trình lên Quốc hội Hàn Quốc.