Tuy nhiên, nhiều nhà cung ứng cho biết đây chỉ là động thái bước đầu, chưa giải quyết được gì nhiều trong bối cảnh hiện nay.
Liên quan đến sự việc Big C tạm ngừng nhập hàng may mặc từ 200 đối tác Việt Nam, chiều ngày 4/7 vừa qua, Bộ Công thương đã có buổi làm việc với tập đoàn Central Group, đơn vị sở siêu thị Big C.
Sau buổi làm việc, bước đầu tiên tập đoàn này sẽ mở đơn hàng cho 50 doanh nghiệp trong số 200 doanh nghiệp cung ứng hàng mặc cho Big C. Trong vòng 2 tuần tới có thể nâng lên thêm 100 nhà cung cấp tiếp tục được mở đơn hàng. Số còn lại tập đoàn sẽ phải làm việc kỹ hơn vì nhiều doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng được quy định và cam kết theo hợp đồng.
Nhiều khu trưng bày hàng may mặc chiếm diện tích lớn trong siêu thị Big C. |
Ghi nhận của VietNamNet cho biết đã có một số chủ doanh nghiệp đã nhận được email thông báo của bộ phận may mặc, tập đoàn Central Group với nội dung sẽ mở lại hệ thống đơn đặt hàng như bình thường vào ngày 5/7.
“Big C có gửi thông báo mở đặt đơn hàng, chúng tôi rất vui vì những tâm tư của nhà cung cấp đã được lắng nghe, để trấn an và ghi nhận theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, hướng đi tiếp theo như thế nào thì vẫn phải chờ từ phía họ”, chị H., doanh nghiệp sản xuất ở trụ sở TP.HCM cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo chị H., việc mở đơn hàng này trên thực tế chỉ là “động thái họ bắt buộc phải làm vì đây là những gì họ đã ký rồi”. Các chủ hàng cho biết tối ngày 2.7 mới nhận được đơn ngưng nhập hàng từ Big C, trong khi các xe hàng đã đến cổng siêu thị bị từ chối cho vào.
Theo chị D., đại diện chủ xưởng khác, cho biết chưa thấy điểm sáng nào từ việc Big C mở đơn hàng. “Chỉ là mở đơn hàng (code) thì chưa nói được gì hết. Thậm chí nếu Big C mở đơn chỉ để làm đúng cam kết với nhà cung ứng thì cũng khó lòng giải quyết được lượng hàng tồn lớn như hiện nay”, chị D. cho biết.
Lý do là vì để đáp ứng yêu cầu về sản lượng của siêu thị, các doanh nghiệp thường phải sản xuất nhiều hơn số lượng đặt hàng theo cam kết để tránh bị phạt. Thêm nữa, các doanh nghiệp từ trước đến nay bán hàng là nhờ các chương trình khuyến mãi đẩy doanh số, nếu làm đúng như cam kết thì lượng hàng cung cấp không nhiều, trong khi doanh nghiệp lại “thủ” sẵn hàng tồn kho chờ bán.
Nhiều chủ doanh nghiệp tập hợp tại Central Group để phản đối chính sách ngưng nhập hàng bất ngờ. |
Ước tính của chị D. cho biết doanh nghiệp mình còn tồn khoảng 20 tỷ tiền hàng, các nhà sản xuất khác nhỏ thì vài tỉ, lớn có thể lên đến cả 50 tỷ đồng. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất nhiều nhà cung cấp hiện nay là lượng hàng tồn khó khó lòng giải quyết.
Anh L., đại diện một nhà cung ứng từ Hà Nội, cho hay thông thường các xưởng phải sản xuất gối đầu nên lượng tồn kho rất lớn, có thể lên đến 3-6 tháng. Chẳng hạn như bây giờ mùa hè thì chúng tôi đã phải lên kế hoạch sản xuất đồ mùa đông để dự trữ”, anh H. cho biết.
Theo chị H., xét về mặt hợp đồng thì Big C không sai, nhưng nếu không muốn đặt hàng nữa thì phải có lộ trình chứ không thể hủy ngang. “Họ có quyền nhưng phải có lộ trình. Big C phải có biện pháp ban đầu để giảm thiểu thiệt hại cho nhà cung cấp”, chị H. nói.
Theo ghi nhận của VietNamNet, đa phần các doanh nghiệp đều muốn có lộ trình từ 6 – 12 tháng để giải quyết hết hàng đã sản xuất, giải tán nhà xưởng, công nhân hoặc tính kế làm việc khác. Một nhà cung ứng chia sẻ đã có hệ thống siêu thị khác gửi lời chào mời với cam kết giữ nguyên những gì mà nhà cung ứng đang làm với Big C.
Trước đó, vào tối ngày 2/7, Tập đoàn Central Group gửi thư thông báo đến 200 đối tác cung cấp ngành hàng may mặc, cho biết sẽ tạm ngừng việc mua hàng với thời gian có thể kéo dài trong 2 tuần hoặc lâu hơn.
Ngay hôm sau, nhiều chủ doanh nghiệp, người lao động tập trung tại văn phòng Central Group, dương biểu ngữ phản đối chính sách ngưng nhập hàng bất ngờ của Big C. Đại diện Central Group sau đó lên tiếng trấn an về kế hoạch tái cấu trúc lại ngành hàng may mặc của siêu thị, kì vọng ra mắt sản phẩm mới và nâng cấp chất lượng sản phẩm.
Dũng Nguyễn