- Sau một thời gian đóng băng, xuất hiện nhiều dự án BĐS du lịch, sinh thái có quy mô lớn, vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD. Sức nóng lan tỏa từ cho thấy nhiều nhà đầu tư đã nhìn ra cơ hội kiếm lời từ phân khúc này.
Nội ngoại cùng chạy
Từ đầu năm 2015 đến nay, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng đã tạo ra sức nóng mạnh mẽ sau một thời gian đóng băng. Phân khúc này hiện không chỉ tập trung ở Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng ,... mà đã trải dọc ven biển khắp các tỉnh thành từ Bắc đến Nam. Một số địa phương nổi lên trong xu hướng đầu tư này là: Bình Định, Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Thanh Hóa,...
Điển hình như, cuối tháng 5/2015, Tập đoàn FLC đã động thổ xây dựng dự án quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý, tại TP. Quy Nhơn với quy mô vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng. Tại Bình Định, Tập đoàn Vingroup đã xây dựng dự án Khu du lịch Hải Giang, với tổng diện tích quy hoạch hơn 650ha, tổng vốn đầu tư gần 3.500 tỷ đồng.
Trên thị trường miền Bắc, tập đoàn FLC đã ra mắt dự án FLC Sầm Sơn với tổng vốn đầu tư lên tới 5.500 tỷ đồng, sau khi hoàn thành sẽ tung ra thị trường hơn 1.000 biệt thự nghỉ dưỡng và các tiện ích như sân golf, bãi biển riêng, khu vui chơi giải trí,...
Hàng tỷ đô đổ vào BĐS nghỉ dưỡng |
Theo rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, tính đến nay, có khoảng 150 dự án đầu tư vào tỉnh, trong đó lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng đang “nóng” nhất. Có thể kể tới như khu phức hợp giải trí casino có quy mô tới 2.000 ha tại Vân Đồn với tổng mức đầu tư khoảng 4-5 tỷ USD; khu công nghiệp dịch vụ Đầm Nhà Mạc 3.170 ha khoảng 530 triệu USD; dự án nghỉ dưỡng Phượng Hoàng (Vân Đồn) 250 triệu USD; cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, tổng chiều dài toàn tuyến 153,3 km khoảng 2,52 tỷ USD,...
UBND TP.HCM sau khi loại chủ đầu tư yếu kém đã chính thức lựa chọn Vingroup xây dựng Khu đô thị biển Cần Giờ trị giá 1,5 tỷ USD, diện tích 821 ha. Sắp tới, tập đoàn này sẽ chọn Cần Thơ để đầu tư dự án xây dựng sân golf 18 lỗ, khu biệt thự cao cấp tại cồn Ấu và khu vui chơi giải trí Vinpearl land trên cồn Nổi.
Gần đây, Phú Quốc trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Tập đoàn M.I.K cũng đã công bố đầu tư gần 100 triệu USD cho hai dự án BĐS nghỉ dưỡng mới trên thiên đường du lịch này. Tiếp đó, ngày 27/6 vừa qua, tập đoàn LDG cũng đã cho ra mắt dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng nhằm chuẩn bị thời cơ phát triển mới.
Theo ban quản lý phát triển đảo Phú Quốc, đến nay có tổng cộng 202 dự án với diện tích khoảng 8.000 ha đất đã được chấp thuận đầu tư với tổng số vốn lên đến 144.000 tỷ đồng.
BĐS nghỉ dưỡng cần có sự đầu tư dài hạn |
Cuộc đua đường dài
Lý giải thời điểm này mới tham gia vào thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, đại diện Vingroup cho hay, việc nới lỏng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà từ 1/7 giúp cho thị trường này tiêu thụ tốt. Hơn nữa, việc chứng tỏ được thương hiệu ở các phân khúc thị trường bất động sản khác sẽ tạo thuận lợi cho việc kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho biết, khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS 2014 được thông qua, Savills nhận được nhiều yêu cầu của khách hàng là người nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư Vietnam Capital Partner, bất động sản hướng biển - du lịch là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn bậc nhất trong giai đoạn 2015-2020 dựa trên những phân tích về bức tranh kinh tế Việt Nam và sự phát triển của ngành du lịch.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn còn thua xa nhiều nước trong khu vực. Đây là phân khúc cao cấp bao gồm nhiều dịch vụ kèm theo như: du lịch, mua sắm, khu vui chơi, casino,... Việc đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng đòi hỏi vốn lớn, nhà đầu tư phải có năng lực quản lý, thời gian đầu tư kéo dài 5-7 năm.
Bà Nguyễn Hoài An, Quản lý cấp cao của CBRE, nhận định, BĐS nghỉ dưỡng khu vực miền Trung đang phát triển mạnh, trong khi đó khu vực phía Bắc kém phát triển hơn. Nguyên chính là chịu sự ảnh hưởng của vấn đề thời tiết xấu nên các nhà đầu tư cũng dè dặt.
D.Anh