Cất, giấu rác
Trong một lần cùng cháu đi chơi, Quan Ái Như (SN 1992, Quận 1, TP.HCM) bắt gặp người dân dọn hồ sen. Thấy người này vứt những búp sen non, Như không ngần ngại đến nhặt, đem về nhà.
Không ai ngạc nhiên với hành động của cô gái trẻ. Bởi, Như nổi tiếng với biệt tài tái sử dụng, tái chế rác. Như giỏi tái sử dụng đến mức không gian sống của cô dường như được tạo nên từ những thứ tưởng chừng đã là vật bỏ đi.
Cô trang trí, che mảng tường hoen ố bằng những bức tranh tự vẽ trên bìa các-tông. Như trồng cây cảnh, rau trên thùng xốp, vỏ chai, bọc ni lông, vỏ bánh kẹo, vỉ đựng trứng…
Không muốn bỏ đi những đồ vật đã gắn bó với mình nhiều năm, Như học cách may vá bằng tay. Cô tự vá, sửa lại chiếc túi đã theo mình đi du học, chiếc váy chống nắng đầu tiên...
Như cũng học cách may áo gối, ga, nệm bằng vải vụn ở nhà. Sau khi ăn các loại rau có thể trồng bằng cách giâm cành, gieo hạt... Như trồng chúng trong các thùng, chai, hũ… được tái chế.
Cô bón phân cho chúng bằng cách chôn xuống đất các loại rác hữu cơ từ vỏ trái cây, rau củ… hỏng. Nước tưới cây, rau trong nhà cũng được Như tận dụng từ nước rửa rau, nước giặt không có xà phòng, dầu mỡ…
Không chỉ tái sử dụng, tái chế rác trong nhà, Như và các thành viên trong gia đình còn sẵn sàng nhặt những vật người khác đã bỏ đi nếu nghĩ ra cách tận dụng chúng. Một lần, Như xin vỏ, hạt ổi sau khi ăn của đồng nghiệp về làm thức ăn cho rùa, phân bón cho cây.
Như cũng nhặt hoa sen bị người dọn hồ vứt bỏ về tách lấy hạt, cắm vào bình nước để trang trí… Cô gái tâm sự: “Tôi không muốn bỏ phí bất kỳ tài nguyên nào. Tôi thừa hưởng cách sống này từ ba mẹ và dì dượng của mình”.
Từ nhỏ, Như đã thấy dì dượng dù khá giả nhưng sống rất tiết kiệm, không bao giờ bỏ thức ăn thừa. Cả hai cũng giữ lại từng sợi dây thun, từng đoạn dây ni lông, dây kẽm, từng cái bọc ni lông… để tái sử dụng.
Trong nhà, mẹ của Như cũng rất tiết kiệm. Bà có thói quen lưu giữ, tái sử dụng những vật dụng thân thuộc.
Thi thoảng nhìn lại những vật dụng ấy, Như lại thấy tuổi thơ ùa về. Từ đó, cô nhận ra lối sống này không chỉ giúp ích cho bản thân mà còn có lợi cho môi trường. Cô bắt đầu cất giấu rác để tái sử dụng, hướng đến cách sống xanh.
Nguyên tắc 3R
Với mong ước không bỏ phí bất kỳ thứ gì, Ái Như luôn trăn trở, tìm cách tái sử dụng mọi thứ xung quanh. Sự tìm tòi ấy dẫn Như đến xu hướng sống xanh và trào lưu 3R (Reduce - Reuse - Recycle) (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế) trên thế giới.
Nhận thấy nguyên tắc 3R phù hợp với mình, Như quyết theo đuổi lối sống này để giảm gánh nặng cho môi trường. Cô bắt đầu bằng cách tái sử dụng những thứ đã cũ nhưng còn hữu ích.
Khi những vật dụng này không không thể tái sử dụng, Như mới nghĩ đến cách tái chế chúng. Như nhớ lần tham gia chương trình trao đổi quà từ quê nhà lúc đang đi du học.
Lần ấy, Như chuẩn bị một chiếc khăn choàng len được đan thủ công. Để gói quà, Như tận dụng chiếc hộp giày cũ và những tờ giấy A4 còn trắng một mặt.
Cô tự tay vẽ hoa văn trang trí rồi dán lên hộp giày. Như cũng tự thiết kế một tấm thiệp có hoa văn đồng bộ với giấy trang trí. Ngay khi nhìn thấy hộp quà, tất cả bạn bè quốc tế trong chương trình đều rất ấn tượng và khen món quà dễ thương, ý nghĩa.
Thời điểm làm lễ tốt nghiệp đại học, Như khiến bạn bè bất ngờ khi tự thiết kế bó hoa bằng bông cải trắng, bông cải xanh, rau xà lách, rau dền. Cô tận dụng lại hoa salem cùng phần giấy gói cũ để làm bó hoa đặc biệt.
Khi đi làm, đi chơi, Ái Như tự chuẩn bị thức ăn, nước uống để không phải sử dụng các loại hộp, túi nhựa dùng một lần. Đi mua thức ăn, nước uống bên ngoài, Như đem theo ly, hũ của mình để không phải phát sinh thêm một chiếc ly nhựa, một cái bịch nilon, hộp đựng… không cần thiết.
Với cách sống này, Như xem trái đất là cội nguồn, thiên nhiên là mẹ, sinh vật nào cũng cần được tôn trọng sự sống. Nguyên tắc 3R cũng giúp gia đình Như giảm lượng rác đáng kể.
Ái Như chia sẻ: “Những năm sống xanh, không lãng phí tài nguyên giúp tôi không có cảm giác tội lỗi với môi trường. Sống xanh cùng với phát triển bền vững là xu hướng mà nhân loại hướng đến nên tôi vui vì biết mình đang làm điều đúng đắn”.
“Tôi vẫn đang lan tỏa cách sống này bằng cách để bản thân là "ví dụ minh họa", là "minh chứng sống", là "người thật việc thật" để ai tiếp xúc, biết và thấy hay sẽ có suy nghĩ, tìm hiểu về việc sống xanh nhiều hơn một chút".