- 80 kiều bào tiêu biểu về dâng hương tại đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược và tham quan khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi - một trong 7 chương trình lớn trong khuôn khổ Xuân quê hương 2015 hay còn được biết đến là Tết kiều bào thường niên vào dịp sát Tết âm lịch cổ truyền.

{keywords}

Nhà báo hải ngoại Nguyễn Phương Hùng tay lỉnh kỉnh đồ nghề từ máy quay, máy ảnh đến chiếc điện thoại smartphone to bản nhanh nhẹn tác nghiệp khi theo sát đoàn 80 kiều bào từ 20 nước, vùng lãnh thổ trong buổi sáng thứ bảy đẹp trời ngập nắng ở khu tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược và di tích địa đạo Củ Chi.

Thực ra ông là thành viên của đoàn. Lần thứ 3 trở lại khu di tích lịch sử cách mạng này, ông quen đường, vừa ngoạn cảnh nhưng vẫn máu nghề làm tường thuật online facebook cá nhân về chuyến đi. Mọi hình ảnh, thông tin đoàn thăm thú được ông cập nhật theo phút, theo giờ. Ấy là một phần không chỉ để chia sẻ với bạn bè, những độc giả của ông ở Mỹ, mà còn ghi nhật ký cho bà xã đang bận chăm cháu nhỏ ở nhà bên California.

{keywords}

Vợ ông, ca sĩ hải ngoại Lệ Hằng vang danh trong cộng đồng người Việt ở Mỹ bởi tiếng hát truyền cảm chắc hẳn không khỏi luyến tiếc vì không đồng hành cùng ông Hùng trong lần trở về này. 4 năm trước, bà đã từng lo lắng khôn nguôi khi chồng thổ lộ sẽ trở về VN lần đầu tiên sau mấy chục năm, nhất là ông Hùng từng khét tiếng trong cộng đồng về chống đối, thù hận với trong nước.

Rồi sau cuộc trở về lần đầu tiên đó, chính bà đã theo sự rủ rê của ông trở về VN hồi 2012 và đi một mạch ra tận Trường Sa, hát trên boong tàu giữa biển trời Tổ quốc cho những người lính bảo vệ chủ quyền biển đảo, trở thành ca sĩ hải ngoại đầu tiên hát ở đảo Trường Sa.

{keywords}

Rồi bà cũng về tham dự Xuân quê hương lần đầu tiên vào 2013, cái Tết kiều bào ở quê nhà đầu tiên sau 32 năm đi xa. Ngồi ở bữa ăn nghỉ trưa, ông Hùng cứ tiếc nuối không có bà Hằng đi cùng để cuốn cho mình chiếc nem bánh tráng Trảng Bàng nhân tôm chế biến theo cách đặc biệt của người dân ở ấp Phú Hiệp, Củ Chi.

Khoảng 10 chuyến trở về chỉ trong 4 năm qua dường như là chưa đủ. Ông Hùng sau lộ trình Củ Chi sẽ còn đi đến Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc để làm những phóng sự hình ảnh đặc sắc phục vụ cho độc giả ở Mỹ. Ông tin rằng, những kiều bào chưa từng một lần trở về quê hương nên trở lại dù chỉ một lần để trải nghiệm rõ sự đổi thay, phát triển và đẹp đẽ của đất nước trên khắp mọi miền.

{keywords}

Dáng vẻ to lớn, ông Nguyễn Bá Thuận, Việt kiều Đan Mạch ngoài 70 tuổi khó khiến ai tin rằng, ông mới đây đã trải qua hai chuyến đi ra các đảo Trường Sa. Ông đã là người cũ, đã trở về nhiều lần và không còn nhớ mình đã trở về bao nhiêu lần, nhất là những dịp Tết, nhưng vẫn đầy cảm xúc.

Đứng trong khuôn viên khu di tích cách mạng truyền thống, ông trải lòng: "Cảm xúc thật khó nói. Đặt chân đến vùng địa đạo, khu đền Bến Dược, tôi cảm thấy phải biết ơn những người đã bỏ mình trong chiến tranh, phải cố gắng sống như thế nào cho xứng đáng với người đã khuất. Đóng góp tùy tài năng, nhưng mỗi người trong đó có tôi cố gắng hết sức đóng góp xây dựng một đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc cho mọi người".

"Cảm xúc những lần trở về, đã rất nhiều lần là gì?" - câu hỏi khiến ông nén lặng suy nghĩ rồi nói rằng, có lẽ đó là cảm giác phải trân trọng cơ hội được sống, có bổn phận sống cho ra con người.

Trong nhiều ký ức, kỷ niệm của những cuộc trở về, đọng lại mạnh với ông có lẽ là hai lần ra Trường Sa.

"Khi nhìn bản đồ chỉ thấy một điểm nhỏ trên đó, nhưng khi đã lên con tàu đến đảo Sinh Tồn cảm xúc mạnh liệt hơn. Mình nhìn ngọn sóng, nhìn người lính hải quân đang ở ngoài khơi bảo vệ vùng biển trời Tổ quốc thấy rằng phải có bổn phận đóng góp cho cuộc sống anh em ở biển đảo khá lên, làm thế nào để con cháu sau này có tinh thần yêu quê hương, nhớ ơn những thế hệ đã gây dựng đất nước. Tất cả những chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc, nhân dân đều là những anh hùng, con cháu phải học tập noi gương những người lính ấy" - ông bồi hồi chia sẻ.

{keywords}

Ông Đặng Gia Hạnh, Việt kiều Pháp lần thứ hai trở lại địa đạo Củ Chi mà tâm trạng, cảm xúc vẫn nguyên ven như lần đầu. Rời đất nước khi chỉ mới 15 tuổi, suốt 57 năm ông không trở lại đất nước cho đến khi về hưu, ông quyết định đưa vợ người Pháp và con trai mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt trở về trong một chuyến đi rong ruổi khắp từ Bắc vào Nam. Người đàn ông nay đã tuổi bậc cha ông, tóc đổi màu vì thời gian nhưng tâm hồn, tinh thần luôn trào vui như trẻ thơ vì sự trở về luôn đầy ắp cảm xúc vui vẻ.

2004, ông và con trai về nước trong một chuyến đi tiếp tục lại từ Bắc rong ruổi vào Nam. "Tôi muốn nó biết quê cha đất tổ, tìm hiểu người Việt và thương quê hương của cha". Rồi từ 2006 trở đi, năm nào ông cũng trở về TP HCM, quyết định dành nửa thời gian trong năm sống ở đây. Ông mua nhà định cư, tập hợp nhóm Việt kiều bên Pháp về hưu trở lại VN làm từ thiện, cấp học bổng cho trẻ em nghèo, đỡ đầu những sinh viên khó khăn.

Từ 200 suất học bổng một năm thuở đầu, giờ hội của ông và những người bạn đã cấp lên đến 500-600 học bổng/năm, nhận đỡ đầu một số sinh viên trong 2-3 năm đầu năm học, chia sẻ kinh nghiệm sống, trách nhiệm, tri thức. Ông mong mỏi sẽ đến được nhiều nơi hơn nữa trên mọi miền đất nước, làm từ thiện với những trẻ bị nhiễm chất độc da cam, người vô gia cư.

Đó chỉ là một số trong 80 kiều bào tiêu biểu về thăm, dâng hương tại đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược và tham quan khu di tích địa đạo Củ Chi sáng 7/2.

Địa danh thăm quan với nhiều người không phải xa lạ. Không ít người trong số đó đã đi thăm nhiều địa danh, lịch sử nổi tiếng trải khắp trên cả nước. Nhưng ngoài ý nghĩa được biết một địa danh lịch sử thì sự gắn kết là quan trọng. Không ít người mang theo cả gia đình, người thân của mình là những người nước ngoài. Họ muốn người thân hiểu về đất nước, lịch sử VN qua những di tích lịch sử như vậy.

Bà Đặng Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ nhiệm UB Nhà nước về người VN ở nước ngoài TP HCM cũng nhấn mạnh chủ đề Xuân quê hương 2015 là Tổ quốc vinh quang, là một năm ý nghĩa để nhìn lại quá trình hào hùng của dân tộc sau 40 năm thống nhất.

"Chúng tôi mong muốn hỗ trợ kết nối kiều bào, thông tin tuyên truyền làm sao cho bà con dù đi đâu cũng hiểu đúng về đất nước của mình hôm nay, bên cạnh những khó khăn là sự đổi thay, và luôn kỳ vọng bà con hướng về đất nước, đóng góp cho đất nước phát triển".

Xuân Linh