- Đó là một trong rất nhiều người phụ nữ còn trẻ mà mang bệnh ác tính. Chị đang nằm điều trị hóa chất và nhớ nhung cuộc đời mình đã sống. Và có 1 phương thuốc kì diệu giúp chị vượt qua những đau đớn, đó là tình yêu và những lời ân cần từ chồng.

Tin bài cùng chuyên mục:



Nếu một ngày cuộc sống đang tươi đẹp, người ta phải nhận “án tử” bởi bệnh máu ác tính, ở tuổi đôi mươi, những người thân yêu nhất, còn ai sẽ ở bên ta? Đã nhiều lần trong những cuộc gặp chóng vánh với những bệnh nhân hiểm nghèo tôi chợt nảy ra suy nghĩ tủi thân ấy và lắc đầu. Còn người yêu thương nào can đảm ở bên ta nếu ta trụi tóc, ngực lép, da sạm, gầy như một cái que và chữa bệnh tốn đến hàng trăm triệu?

Ý nghĩ ám ảnh ấy chợt đảo chiều khi tôi gặp những bệnh nhân đang đau đớn ở phòng bệnh tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Nằm nhớ nhung cuộc đời mình đã sống

Chị Đỗ Thị Oanh chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân bị bệnh bạch cầu tủy mạn tính (Ung thư máu ác tính) đang điều trị ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

2 tháng trước, chị Oanh còn là cô giáo dạy mần non ở một trường mần non tại huyện Mường Khương tỉnh Lào Cai, là một cô dâu mới về nhà chồng được 7 tháng… Sau những cơn sốt không rõ lý do, những u cục tím tái mọc trên người, đi khám và xét nghiệm bác sĩ kết luận chị mắc bệnh Bạch cầu tủy mãn, một dạng bệnh máu ác tính.

Mọi thứ đóng sập, chị nhớ lại: Mình đã khóc và chỉ muốn chết. Chẳng bao giờ mình nghĩ mình có thể mắc một căn bệnh làm mình sụp nhanh đến thế.

Mấy năm liền đi dạy học ở vùng cao, lớp học của mình toàn học sinh H’Mông. Soạn giáo án nhiều đôi khi thấy hơi chán… Bây giờ đi viện nhiều  chị Oanh lại thèm giáo án, nhớ trường lớp.

Cận kề sống và chết, chị Oanh tiếc thời gian xưa cũ...


Những học sinh thân yêu ngày xưa mà chị uốn nắn, vì không biết tiếng Kinh làm chị phát bực, nay nằm viện chị nhớ chúng vô cùng. Chị kể, khi dạy hát bài “Cả nhà thương nhau”, thay vì hát “cả nhà ta cùng thương yêu nhau…” các em ấy hát thành “cả nhà ta cùng nheo nheo nheo”.

Đến viện, từng ngày nằm trên giường bệnh truyền hóa chất chị nhớ Mường Khương rất nhiều. Chị nhớ cuộc sống khi đó và thèm trở về. “Bệnh tật ác tính xưa kia nghe nó xa xôi, nay thì gần gận vô cùng, bao nhiêu người cũng bị ung thư, bao nhiêu câu chuyện khác còn khổ hơn mình nhiều”, chị Oanh thở dài tâm sự.

“Án tử” dành cho người rất trẻ

Chị Oanh chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người trẻ mắc bệnh ung thư ác tính đang điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

“Lần truyền trước mình ở cùng phòng một chị cũng bị ung thư máu, chị ấy mới sinh con đầu lòng và phát hiện bệnh. Chị ấy cũng được chỉ định truyền hóa chất, trong lần truyền đầu tiên vì đau đớn, không có sức lực nên chị ấy đã chết. Còn trẻ mà đã chết, mình nghe rất sợ. Không phải những người bạc đầu mới chết mà những còn rất trẻ đã ra đi”, chị Oanh kể câu chuyện ám ảnh mình.

Nằm cạnh giường của chị Oanh là em Trần Hải Ninh (21 tuổi) ở xóm 4 xã Phú Long huyện tiền Hải tỉnh Thái Bình. Ninh nhận tin mình bị bệnh ung thư máu khi đang học năm thứ hai của một trường Trung cấp y ở Hà Nội. Ninh mới trải qua đợt truyền hóa chất thứ nhất, trong cơn gió ban chiều em run bật, đau đớn, nóng sốt.

Gia đình Ninh trước nay chỉ làm ruộng, để chữa bệnh cho con, bố mẹ cầm đất để vay ngân hàng. Trong cơn sốt ly bì, hi vọng cứ khép lại rồi lại mở ra. Ninh phải chiến đấu từng ngày với bệnh tật.

Chị T quê ở Hà Tây cũ là một trường hợp đau lòng hơn. Mới lấy chồng được hơn 1 tháng, chị T thấy cơ thể có nhiều biểu hiện lạ. Toàn thân tím tái và sốt cao liên miên. Hai vợ chồng đưa nhau đi khám, lúc ấy phát hiện bị bạch cầu cấp. Gia đình nhà chồng thấy cô dâu mới, lâm bệnh nặng mới cho rằng chị T là kẻ lừa đảo Thế nên họ đã thúc giục con bỏ gấp chị T… Anh N nhất quyết không bỏ vợ vì thương, anh N vẫn đưa vợ đến viện trong đợt hóa trị liệu đầu tiên, ôm vợ khóc khi vợ đau, chăm vợ khi vợ yếu, thế nhưng trong đợt trị liệu lần 1 ấy vì không chịu nổi hóa chất, chị T ra đi.
Những động viên ân cần của gia đình là liều thuốc cho những bệnh hiểm nghèo

Ở nơi chồng ôm vợ khóc…
 
Có quá nhiều đau đớn và bệnh tật mà người ta không thể lường trước. Cũng có nhiều người bất hạnh, họ bị gia đình ruồng bỏ ngay khi biết bệnh. Nhưng chị Oanh là một bệnh nhân khác, anh Thịnh - chồng chị đã ở bên động viên, và đó là loại “biệt dược” quý cho bệnh nặng của chị.

Ở viện, ngày nào chị Oanh cũng mong đến thứ 6. Khi ấy, chồng được nghỉ làm là thu xếp xuống với vợ.

Trong điện thoại, những tin nhắn nhắc vợ lạc quan anh Thịnh vẫn gửi cho chị Oanh đều đặn hằng ngày. Anh Thịnh luôn bảo: Vợ yêu cố gắng lên! Vợ yêu nhớ ăn nhiều nhé! Chồng nhớ vợ nhiều nhiều… Mai là thứ sáu rồi, chồng mong quá!

Và trong những lúc vì đau quá mà phải khóc, chị Oanh luôn mang những tin nhắn ấy ra đọc. Nó như liều thuốc giảm đau cho những cơn đau hành hạ chị.

Lấy vợ được 7 tháng thì phát hiện vợ có bệnh nặng. Chưa lúc nào anh Thịnh sao nhãng. Nhìn những chai dịch màu xanh, đỏ hằng ngày chị phải truyền, anh lén ra hành lang khóc. Vì vợ đau quá mà chồng đã khóc…

Cái ngày tuyệt vọng, khi truyền dịch không thể đứng lên nổi thì chị Oanh phải nằm bệt. Chị hỏi chồng “Không biết khi chết em được chôn ở đâu?”, anh Thịnh lại khóc, anh chờ để chị có sức ngồi thẳng lên thì mới yên tâm về nhà làm việc.

“Vợ chồng mới cưới chẳng được bao lâu đã mang bệnh. Mình rất sợ chết. Bây giờ chết, mình tiếc chồng, thương chồng… xa chồng nghĩ đã chán” chị Oanh tâm sự.

Tuần này, khi xong việc ở cơ quan, chiều thứ 6 là anh Thịnh lại đi xe đêm từ Lào Cào đến Hà Nội chăm vợ. Và sự quan tâm của anh, là thứ “biệt dược” làm lành nỗi đau cho chị. Thế mới biết, trong bệnh nặng, con người ta cần một tình yêu lớn biết nhường nào.

  • T. Phan