Israel
Từ nhiều năm trước, Israel đã phát triển và đưa vào trang bị loại xe thiết giáp chở quân hạng nặng được bảo vệ hiệu quả trước mối đe dọa của mìn chống tăng và hỏa khí bắn thẳng. Đó là các xe Nakpadon và Nagmachon, được phát triển dựa trên khung xe tăng Centurion.
Cả hai kiểu xe đều có đặc trưng là cấu trúc thân xe được nâng lên để thể tích bên trong rộng hơn, trang bị vũ khí có thể tạo ra hỏa lực chế áp tất cả các hướng. Cấu hình vỏ giáp tùy thuộc vào xe, nhưng có sự phối hợp của vỏ giáp thụ động tiên tiến, trong một số trường hợp là giáp phản ứng nổ (ERA).
Xe Nakpadon: Ảnh: Military Todays |
Từ số lượng lớn xe tăng T-54/T-55B do Nga sản xuất thu được từ Ai Cập, Israel đã phát triển thành các phiên bản xe Achzarit. Những cải tiến lớn gồm tháo bỏ tháp pháo và bố trí được 7 lính bộ binh trong khoang chiến đấu trung tâm. Lực lượng bộ binh có thể ra, vào xe qua các cửa trên nóc hoặc lối đi ở bên phải phía sau thân xe, qua một cửa dốc.
Khối truyền động nguyên bản của Nga được thay bằng khối truyền động do Israel nghiên cứu phát triển. Với việc tăng cường vỏ giáp và các trang thiết bị tiêu chuẩn (hệ thống phát hiện cháy và dập lửa Spectronix, hệ thống tự tạo màn khói tức thời CL-3030…), khả năng sống còn của xe được nâng lên đáng kể.
Mới đây, Israel lại đưa vào trang bị loại xe HIFV mới mang tên Namer, sử dụng khối động cơ và hệ treo của xe tăng Merkava Mk-4. Khối động cơ diesel 1.200 mã lực được bố trí ở phía trước, tạo không gian thoáng rộng cho chỉ huy, lái xe, pháo thủ và 8 binh sĩ. Lực lượng bộ binh có thể nhanh chóng ra, vào xe qua cửa phía sau. Hỏa lực chế áp là súng máy 12,7mm điều khiển từ xa lắp trên nóc xe, tới đây có thể lắp vũ khí cỡ lớn hơn.
Xe Namer có trọng lượng chiến đấu 62 tấn, được bảo vệ bằng một hệ thống vỏ giáp mô-đun tiên tiến. Khả năng sống còn của xe còn được tăng cường với hệ thống hỗ trợ phòng thủ Trophy của hãng Rafael. Xe Namer còn được trang bị các ống phóng lựu, các bộ phát hiện chiếu la-de, các thiết bị quan sát, máy ngắm hiển thị dành cho trưởng xe, thiết bị thông tin đa năng..
Quân đội Israel còn triển khai cả xe thiết giáp chở quân công binh chiến đấu Puma, có thể lắp dụng cụ phá mìn ở phía trước hoặc một lưỡi ủi/gạt. Phía sau thân xe có thể lắp hệ thống phá bãi mìn bằng thuốc nổ nhiên liệu không khí Carpet của Rafael.
Nga
Phòng Thiết kế máy phương tiện vận chuyển GUP đã phát triển xe bọc thép chở quân hạng nặng BTR-T, dựa trên khung xe tăng T-55. Tháp pháo nguyên bản được tháo ra, thân xe được nâng lên cho thể tích bên trong rộng hơn. Ngoài kíp xe 3 người (chỉ huy, pháo thủ và lái xe), xe BTR-T có thể chở được 5 lính bộ binh, ra/vào xe qua các cửa trên nóc xe. Xe có trọng lượng 41 tấn, được bảo vệ bằng một hệ thống vỏ giáp mô-đun tiên tiến.
Xe BTR-T được lắp một tháp pháo thấp, với một pháo nòng ngắn 30mm 2A42 và một giá lắp vũ khí chống tăng có điều khiển ATGW 9K113 Konkurs. Ngoài ra, xe còn được lắp một số vũ khí khác, trong đó có súng phóng lựu tự động 30mm.
Để tăng cường khả năng sống còn cho kíp xe và lực lượng bộ binh trong xe, giáp phản ứng nổ được lắp ở phía đầu xe và hai bên thành xe. Giống như các xe tăng của Nga, BTR-T được trang bị hệ thống tự tạo màn khói bằng cách phun nhiên liệu diesel vào cửa ống xả, lắp các ống phóng lựu khói 81mm tiêu chuẩn do Nga sản xuất…
Để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Nga cũng đã nghiên cứu phát triển một số mẫu HIFV dựa trên khung xe tăng T-72 hoặc xe tăng T-90, trọng lượng khoảng 40 tấn. Tháp pháo 2 người sẽ được thay bằng tháp pháo tương tự như của xe chiến đấu bộ binh BMP-3, nhưng được tăng cường thêm giáp bảo vệ. Thân xe được thiết kế cao hơn để tăng thể tích, sức chở.
Xe có thể chở được 7 lính bộ binh (2 ngồi ở hai bên lái xe và 5 ngồi ở khoang giữa). Giống như mẫu xe BTR-T, lực lượng bộ binh cũng ra, vào xe qua các cửa trên nóc xe.
Xe chiến đấu yểm trợ xe tăng BMPT được phát triển dựa trên khung xe tăng T-72. Mặc dù không chở được bộ binh, nhưng với hỏa lực mạnh và mức bảo vệ cao, xe có thể hoạt động hiệu quả trong khu vực hỏa lực bắn thẳng cũng trong môi trường đô thị. Tháp pháo cải tiến được lắp một pháo 30mm và súng phóng lựu tự động 30mm lắp đồng trục. Bên phải tháp pháo bố trí một thùng chứa 4 tên lửa chống tăng 9M113 Konkurs tầm bắn 4.000m.
Với hệ thống điều khiển hỏa lực máy tính hóa tiên tiến, khi dừng, BMPT có thể tác chiến với các mục tiêu di động hoặc tĩnh (cả ngày và đêm), xác suất trúng đích từ viên đạn đầu rất cao. Phía trước và hai bên thân xe được bố trí súng máy PKT cỡ 7,62mm (có thể thay bằng súng phóng lựu 30mm).
Xe BMPT có kíp xe 5 người, trọng lượng chiến đấu 47 tấn, động cơ diesel 1.000 mã lực, vận tốc lớn nhất 65 km/giờ, dự trữ hành trình 550km. Để tăng cường khả năng sống còn, xe được lắp giáp phản ứng nổ và các thành phần của hệ thống hỗ trợ phòng thủ. Sau các đợt thử BMPT thế hệ thứ nhất, mẫu BMPT thứ hai đã được phát triển và đưa vào sản xuất để trang bị cho lục quân Nga. Theo các chuyên gia quân sự, mẫu này được chế tạo mới hoàn toàn.
Kíp xe 5 người và bố trí bên ngoài giống như thế hệ xe trước, lái xe ngồi ở giữa, hai bên có hai thành viên kíp xe. Hai bên nóc xe được lắp súng phóng lựu 30mm, các thành viên kíp xe ngắm bắn mục tiêu qua hệ thống kính ngắm ngày/đêm. Tháp pháo xe tăng được thay bằng tháp pháo 2 người. Trên tháp lắp pháo 2 nòng 30mm 2A42 và súng máy PKTM cỡ 7,62mm, hai bên tháp pháo bố trí hai hệ thống tên lửa chống tăng tầm xa 9K120 Ataka.
Các loại vũ khí trên xe ngắm bắn mục tiêu bằng một hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến, máy tính hóa cùng với phương tiện tìm, diệt mục tiêu. Khung và tháp pháo được chế tạo bằng thép hàn nhưng có thể lắp giáp phản ứng nổ cho phần thân xe và tháp pháo, các tấm riềm hai bên có thể tăng cường khả năng bảo vệ cho kíp xe. Giáp phên bố trí phía trên đuôi xe có thể chống được đạn của các loại vũ khí như RPG -7.
Nguyên Phong
Uy lực xe tăng ‘Kẻ thách thức’ tới từ nước Anh
Với hơn 400 chiếc trong biên chế, xe tăng Challenger 2 đã trở thành 'trụ cột' không thể thay thế của binh chủng tăng-thiết giáp thuộc Lục quân Anh.
Sức mạnh của mẫu xe tăng đắt đỏ nhất thế giới
Với giá khoảng 6,5 triệu Euro/chiếc, xe tăng AMX-56 Leclerc của Pháp được mệnh danh là xe tăng đắt đỏ nhất trên thế giới.