Các bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ đã xác định được một số triệu chứng mới mà họ tin rằng có thể liên quan đến biến thể Delta.
Ganesh Manudhane, bác sĩ tim mạch ở Mumbai (Ấn Độ), cho biết một số bệnh nhân Covid-19 xuất hiện các cục máu đông khiến mô bị chết, dẫn đến hoại thư.
Ông chia sẻ, hai bệnh nhân của ông phải cắt ngón tay hoặc cắt cụt chân do biến chứng trên.
Nhân viên y tế tiêm phòng cho người dân sống ở Kashmir
Các chuyên gia y tế cho rằng chứng hoại thư, mất thính giác và rối loạn dạ dày nghiêm trọng có thể do tác động của biến thể Delta - chủng virus SARS-CoV-2 được xác định lần đầu tiên ở Ấn Độ.
Bác sĩ Manudhane cho biết, ông chỉ gặp 3 hoặc 4 người mắc Covid-19 bị tình trạng hoại thư vào năm ngoái, nhưng bây giờ, mỗi tuần ông khám cho một bệnh nhân.
Nếu chứng hoại thư không được điều trị trong vòng 24 giờ, cơ hội sống sót giảm xuống còn 50%.
Hoại thư xảy ra khi nguồn cung cấp máu mất đi khiến mô chết. Hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nhưng thường bắt đầu ở ngón chân, bàn chân, ngón tay và bàn tay.
Các biển hiện phổ biến bao gồm đỏ, sưng, đau, lở loét ở vùng bị ảnh hưởng.
Hetal Marfatia, bác sĩ phẫu thuật tai, mũi và họng tại Bệnh viện King Edward Memorial (Mumbai), liệt kê thêm một số triệu chứng của bệnh nhân nhiễm biến thể Delta là mất thính giác, sưng tấy quanh cổ và viêm amidan.
Abdul Ghafur, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Apollo ở Chennai, nhận định, virus SARS-CoV-2 ngày càng trở nên khó đoán hơn khi các biến thể mới xuất hiện.
Ông thấy hiện tại, nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy hơn so với đợt đầu tiên của đại dịch.
Sáu bác sĩ hàng đầu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ xác nhận các triệu chứng phổ biến của người mắc biến thể Delta là đau dạ dày, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, giảm thính lực và đau khớp.
Ấn Độ có số ca nhiễm Covid-19 lớn thứ hai thế giới (29 triệu bệnh nhân), chỉ đứng sau Mỹ. Số người tử vong là 350.000 ca.
Trong những ngày gần đây, số bệnh nhân mới đang giảm dần còn 86.000 ca một ngày. Đây là con số thấp nhất trong vòng 2 tháng qua. Vào thời kỳ đỉnh điểm, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày có thể lên tới 400.000 người.
Các quan chức cảnh báo phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng để ngăn chặn dịch bệnh phát triển.
Giridhara Babu, thành viên Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ (ICMR), thông tin: "Chúng tôi cần tiêm vắc xin cho 7-8 triệu người mỗi ngày để đạt được mục tiêu chủng ngừa hết cho những người đủ điều kiện trong năm nay".
Hiện nay, Ấn Độ sử dụng vắc xin AstraZeneca được sản xuất tại Viện Huyết thanh của nước này và vắc xin Covaxin nội địa do công ty Bharat Biotech sản xuất. Tới giữa tháng 6, vắc xin Sputnik V của Nga sẽ được bổ sung vào danh sách.
An Yên (Theo Mirror)
Thế hệ vắc xin mới rẻ hơn, chống được nhiều biến thể hơn
Các hãng dược dự kiến ra mắt các loại vắc xin hiệu quả, thuận tiện hơn cho người dùng như có thể uống, xịt vào mũi, không cần bảo quản trong tủ lạnh.