Mới đây, tại Hội thảo Cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí về tác hại của thuốc lá và biện pháp kiểm soát tiêu dùng do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, Thạc sĩ Đào Thế Sơn - Đại học Thương mại (Hà Nội) - cho biết sản xuất và tiêu dùng thuốc lá không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng mà còn tới những người xung quanh và toàn xã hội.
Trong 17 nhóm mục tiêu phát triển bền vững, thuốc lá ảnh hưởng tới Mục tiêu số 3 (Sức khỏe và cuộc sống tốt), Mục tiêu số 5 (Bình đẳng giới). Đặc biệt, với Mục tiêu số 1 (Xoá nghèo) và Mục tiêu số 2 (Không còn nạn đói), thuốc lá ảnh hưởng trực tiếp khi là nguyên nhân dẫn đến các bệnh mạn tính điều trị tốn kém và tử vong sớm, gây gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình.
Nhiều nghiên cứu ở quốc tế và Việt Nam đều cho thấy chính sách thuế là giải pháp hiệu quả nhất nhằm giảm tiêu dùng và tác hại thuốc lá. Tăng thuế thuốc lá sẽ mang lại lợi ích tốt hơn cho người nghèo. Khi giá 1 bao thuốc cao, người trẻ, người thu nhập hạn chế sẽ cai nghiện hoặc không hút.
Theo ông Sơn, nhiều lo ngại về tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh, việc làm. Nhưng thực tế, sản lượng trong ngành nông nghiệp tăng đều qua các năm nhưng số việc làm của ngành giảm trong những năm gần đây.
Số liệu của Hiệp hội Thuốc lá cho thấy cả nước có khoảng 600.000 lao động trong ngành này. Nếu giảm sản lượng, số lao động chịu ảnh hưởng cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ và có thể điều tiết. Trong khi đó, tác động của việc tăng thuế thuốc lá đối với các lĩnh vực khác sẽ là tích cực vì người hút thuốc sẽ chuyển sang chi tiêu cho các hàng hóa và dịch vụ khác.
Để đạt được mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Phương án tăng thuế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (đạt mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao thuốc và giữ nguyên mức thuế tỷ lệ 75% vào năm 2030) sẽ dẫn đến tỷ lệ hút thuốc giảm tương đối 13%.