UBND tỉnh Sơn La vừa phê duyệt đề án xây dựng vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La trở thành Khu du lịch Quốc gia. Đến năm 2030, đề án sẽ hoàn thành 50% các điều kiện công nhận vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành Khu du lịch Quốc gia; năm 2040 tổ chức công nhận vùng này thành Khu du lịch Quốc gia.
Theo kế hoạch, dự kiến đến năm 2030, Khu du lịch Quốc gia lòng hồ thuỷ điện Sơn La sẽ đón trên 1,3 triệu lượt khách, trong đó, có 80.000 khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch sẽ đạt gần 7.000 tỷ đồng và tạo việc làm cho gần 32.000 người lao động.
Đây sẽ là vùng trọng điểm phát triển kinh tế du lịch phía Tây Bắc của tỉnh Sơn La.
Vùng lòng hồ thủy điện Sơn La nằm trên địa bàn 3 huyện Mường La, Quỳnh Nhai và Thuận Châu. Từ năm 2014, tỉnh Sơn La đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Trên cơ sở tài nguyên du lịch, tiềm năng và lợi thế của vùng lòng hồ thủy điện, Sơn La tiếp tục xác định đây là trọng điểm du lịch của tỉnh, gắn với mục tiêu trở thành Khu du lịch Quốc gia.
Dự tính, tổng thu từ du lịch mục tiêu đến 2025 là 1.678 tỷ đồng và đến năm 2030 là 6.846 tỷ đồng. Tổng số khách mục tiêu đến 2025 là 785.000 lượt, đến năm 2030 là 1,33 triệu lượt.
Lòng hồ thuỷ điện Sơn La sẽ được chia làm 3 phân khu du lịch và 3 trung tâm dịch vụ du lịch. Phân khu du lịch biển hồ Quỳnh Nhai là phân khu du lịch động lực, tạo nên thương hiệu, phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp theo mô hình các khu du lịch phức hợp.
Phân khu du lịch nghỉ dưỡng Mường La gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Mường La là phân khu du lịch bổ trợ, du lịch sinh thái, bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học.
Ba trung tâm dịch vụ du lịch lòng hồ thuỷ điện Sơn La gồm Mường Giàng, Ít Ong và Ngọc Chiến.
Hồ chứa nước thuỷ điện Sơn La chính thức được tích nước từ năm 2010 để vận hành tổ máy số 1. Tháng 12/2012, Nhà máy Thuỷ điện Sơn La được khánh thành. Thượng nguồn sông Đà đã trở thành “biển hồ” lớn nhất Tây Bắc.
Hồ chứa nước của thủy điện Sơn La nếu tích nước đến cao trình, diện tích lưu vực của hồ sẽ phủ rộng 43.760 km2; diện tích hồ chứa đạt 224 km2 thuộc địa phận của 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu.
Hồ có chiều rộng lớn nhất khoảng 1,5km, chiều dài lòng hồ tính từ đập ngăn đặt tại thị trấn Ít Ong, huyện Mường La của tỉnh Sơn La ngược lên phía thượng nguồn đến thị xã Mường Lay của tỉnh Lai Châu vào khoảng 120km, dung tích hồ chứa sẽ đạt 9,26 tỷ m3 nước, tương đương dung tích hồ thuỷ điện Hòa Bình là 9 tỷ m3 nước.
Thời điểm hiện tại, các huyện nằm trong khu vực lòng hồ thuỷ điện Sơn La đã khai thác tiềm năng nuôi trồng thuỷ sản, khai thác du lịch tại chỗ với các bản làng mới thành lập.