Khi Trung Quốc đang ngày càng thể hiện tham vọng tại Biển Đông, Mỹ cũng đã có những hành động để tăng cường tầm ảnh hưởng tại khu vực này.
Bộ trưởng Austin hồi tháng 6 đã tham dự hội nghị Đối thoại Shangri-La tại Singapore, nơi bài phát biểu trái ngược của ông và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã trở thành tâm điểm chú ý.
Bài phát biểu của ông Ngụy tập trung vào vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), yêu cầu Mỹ và các quốc gia phương Tây không can dự vào chính sách của Bắc Kinh. Trong khi đó, ông Austin lại tập trung vào quan hệ đối tác, cũng như tôn trọng các quy tắc quốc tế.
Lãnh đạo Lầu Năm Góc cho biết, sự đoàn kết giữa các đồng minh đã đem lại sự ổn định cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tái khẳng định cam kết về việc duy trì một khu vực "tất cả các quốc gia, lớn và nhỏ, đều được tự do phát triển và theo đuổi lợi ích một cách hợp pháp, không bị ép buộc và đe dọa".
Tăng cường liên kết tại Biển Đông
Để phản ánh những cam kết của Washington, ông Austin xoáy sâu vào vấn đề tại Biển Đông. Ngay cả khi không trực tiếp nói đến vấn đề lãnh hải, ông Austin cũng đề cập đến vấn đề "tự do trên biển", "hợp tác an ninh hàng hải" và "nguy cơ an ninh trong vùng xám".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng là quan chức gần đây nhất nhấn mạnh lại tầm quan trọng của việc duy trì an ninh hàng hải và tăng cường liên kết tại Biển Đông là mối quan tâm hàng đầu của Washington.
Lật lại lịch sử, không khó để lý giải vì sao Mỹ lại quan tâm đến thế tới những tranh chấp ở vùng biển cách lãnh thổ nửa vòng Trái đất. Từ trước tới nay, các nhà lãnh đạo Mỹ đã coi việc duy trì các vùng biển tự do là yếu tố quan trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh quốc gia, đây là một trong những quan điểm nhất quán hiếm hoi trong lịch sử nước Mỹ.
Những gì Trung Quốc đang làm với eo biển Đài Loan là minh chứng rõ rệt nhất cho thấy lợi ích của Washington có thể bị ảnh hưởng nếu không có động thái quyết liệt hơn.
Theo Bộ trưởng Austin, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông là "không có cơ sở trong luật pháp quốc tế". Các yêu sách này còn chà đạp chủ quyền của các quốc gia trong khu vực, và Mỹ sẽ hỗ trợ các quốc gia trong bảo vệ chủ quyền của họ. Đồng thời, tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể đe dọa lợi ích của Washington từ Bắc Cực đến Vịnh Ba Tư, khi Nga và Iran cũng có thể làm điều tương tự.
Duy trì cam kết quốc phòng
Một mối quan tâm khác của Mỹ tại Biển Đông là việc duy trì các cam kết quốc phòng mà không gây ảnh hưởng tới vấn đề tranh chấp chủ quyền. Mạng lưới liên minh quân sự đã giúp Mỹ duy trì sự hiện diện tại châu Á, cho phép Washington triển khai các lực lượng quân sự nhằm bảo vệ lợi ích chung cho các đồng minh.
Hiệp định an ninh đầu tiên được Mỹ ký kết tại Biển Đông là Hiệp định căn cứ quân sự vào năm 1947 và Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau vào năm 1951 với Philippines.
Từ đó đến nay, Washington đã ký các hiệp ước quốc phòng tương tự với Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Đài Loan. Bên cạnh đó là sự hợp tác chặt chẽ với một số nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trên thực tế, với vấn đề Biển Đông, Mỹ luôn tìm cách tránh dính líu vào cuộc chiến pháp lý phức tạp và chắc chắn sẽ kéo dài, làm hao tổn các nguồn lực quốc gia. Mặt khác, Biển Đông cũng là “quân cờ” quan trọng của Mỹ trong mục tiêu kiềm chế tham vọng của những nước muốn độc chiếm khu vực này, bởi nếu để xảy ra tình trạng đó, lợi ích chiến lược của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.
Sự hiện diện quân sự của Mỹ cũng gửi đi một thông điệp rằng họ sẵn sàng trở thành một lực lượng duy trì an ninh, ổn định tại Biển Đông cũng như toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có thể làm chỗ dựa cho các nước Đông Nam Á trước sự đe dọa từ Trung Quốc.
Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông bao gồm các loại lợi ích đa dạng về tự do hàng hải, kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh, vốn luôn bất biến. Ngoài ra, Đông Nam Á cùng các tuyến đường trên Biển Đông có thể cung cấp cho Mỹ một vị trí dễ dàng tiếp cận về phía Nam lục địa.
Kết hợp với việc tăng cường sự có mặt về quân sự ở Trung Á, liên minh chặt chẽ hơn với Nhật Bản về quân sự và an ninh ở phía Đông có thể tạo thành vành đai chiến lược từ phía Tây xuống phía Nam và kéo sang phía Đông để bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh ở đây.
"Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng tâm trong chiến lược lớn của Mỹ, và nó không thể thành công nếu các quy tắc và liên minh đang bị đe dọa ở Biển Đông", Bộ trưởng Austin nói.
Việt Dũng (Theo Foreign Policy)
Dường như các chính sách đối ngoại và quốc phòng của ông Biden dựa trên rất nhiều giả định, bao gồm: Quyền lực mềm có thể giải quyết hầu hết các vấn đề; Các nguồn lực và khả năng hiện tại đủ để ngăn chặn các đối thủ của Mỹ.