Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán và mã cổ phiếu NAB cho Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank). Theo đó, 389 triệu cổ phiếu NAB được lưu ký từ ngày 8/9 để chuẩn bị giao dịch trên sàn Upcom.
Như vậy, trước thời hạn quy định, nhiều ngân hàng đã đưa cổ phiếu niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên các sàn chứng khoán. HOSE gần đây thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 924,5 triệu cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng SHB có kế hoạch chuyển từ sàn Hà Nội sang HOSE.
Trước đó, NamABank có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE nhưng do “một vài yếu tố khách quan” đã ảnh hưởng đến tiến độ niêm yết và NamABank vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam.
Gần đây, NamABank của nhà cố doanh nhân Tư Hường đặt kế hoạch lợi nhuận 2020 đi lùi với dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020 được bao trùm trong bức tranh ảm đạm, kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19.
Trong năm 2019, NamABank ghi nhận nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ tăng mạnh. Tới cuối tháng 9/2019, nợ xấu tại NamABank tăng tới hơn 90% so với đầu năm, với nợ nhóm 3-4 tăng cao. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này theo đó tăng từ 1,54% lên 2,37%.
Giá đình cố doanh nhân Tư Hường tại NamABank. |
Trong năm 2019, tình hình tại NamABank khá biến động về nhiều mặt, trong đó có nhân sự. Ông Nguyễn Quốc Toàn từ nhiệm và ông Trần Ngô Phúc Vũ được uỷ quyền điều hành HĐQT ngân hàng Nam Á.
Cùng thời gian này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án xuất phát từ tố cáo của ông Nguyễn Chấn (chồng của nữ doanh nhân quá cố Tư Hường) và một số cá nhân khác đối với chính con trai của mình là ông Nguyễn Quốc Toàn.
Trong nhiều năm qua, quy mô NamABank tăng chậm chỗ trong khi hàng loạt các ngân hàng khác đã có những bước tăng vốn mạnh mẽ. Có ngân hàng tăng vốn gấp vài ba lần trong một thời gian ngắn đưa vốn điều lệ lên hàng chục ngàn tỷ đồng trong một cuộc đua để trụ lại trong shortlist khoảng 15 NHCP tại Việt Nam theo dự tính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tình trạng công bố thông tin là một vấn đề đáng lưu ý trong hoạt động của ngân hàng này. Trong 3 năm qua 2016-2018, NamABank không công khai thông tin tình trạng sở hữu. Đây cũng là khoảng thời gian mà ngân hàng này có rất nhiều biến động về nhân sự.
Trong báo cáo 2015, nhóm cổ đông liên quan gia đình bà Tư Hường vẫn nắm cổ phiếu tỷ lệ lớn ở NamABank khoảng 24%. Tuy nhiên, đó cũng là năm cuối cùng báo cáo quản trị chi tiết về tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông nội bộ cũng như cổ đông lớn của NamABank được công bố công khai trên trang web.
Một điểm mới trong thông báo của VSD vừa đưa ra đầu tháng 9/2020 là, NamABank để tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài ở mức 30% vốn điều lệ. Đây là một tín hiệu cho thấy, ngân hàng này có thể tính huy động vốn từ một đối tác chiến nước ngoài.
Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ, một tổ chức sở hữu không quá 15% vốn điều lệ, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại các ngân hàng là 30%.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 10/9, chỉ số VN-Index quay quanh ngưỡng 890 điểm.
Theo Rồng Việt, mặc dù nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sôi động nhưng nhìn chung VN-Index vẫn đang thận trọng trước tín hiệu suy yếu từ vùng 906 điểm gần đây. Thị trường đang dao động trong biên độ hẹp, khó xác định động thái tiếp theo nhưng rủi ro phân phối vẫn đang hiện hữu. Do vậy, nhà đầu tư cần thận trọng trong quyết định giải ngân mới và có thể xem xét hạ dần tỷ trọng cổ phiếu để giảm thiểu rủi ro của danh mục.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/9, VN-Index giảm 0,82 điểm xuống 889,32 điểm; HNX-Index tăng 1,13 điểm lên 125,93 điểm. Upcom-Index tăng 0,02 điểm lên 58,84 điểm. Thanh khoản đạt 6,8 nghìn tỷ đồng.
V. Hà