Các bên, trước hết là các bên tranh chấp, bằng cách này hay cách khác đều bày tỏ mong muốn đối thoại và hợp tác nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho quản lý và giải quyết tranh chấp. Nhưng sự thiếu hụt lòng tin đã cản trở việc thực thi hiệu quả các sáng kiến này.

PGS. TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao đưa ra những đánh giá về vấn đề Biển Đông.

{keywords}
PGS. TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao

Chuyển biến tích cực

Theo ông, kể từ phán quyết của Toà Trọng tài tháng 7/2016, tình hình Biển Đông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tín hiệu lạc quan nhất đối với các nhà quan sát là, tin tức về những sự vụ, va chạm nghiêm trọng xảy ra trên biển trong năm vừa qua đã giảm so với các năm trước.

Trong khi đó, vấn đề biển Đông tiếp tục được đề cập tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, trong thảo luận song phương giữa nhiều nước.

Những tiến bộ đáng chú ý gần đây phải kể đến là ba nước ASEAN, Malaysia, Indonesia và Philippines đã tiến hành diễn tập tuần tra chung ở vùng biển Sulu, nơi các lực lượng nổi dậy và cướp biển hoành hành. Ngoài ra, trên bàn đàm phán ngoại giao, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành bộ khung COC, thiết lập đường dây nóng giữa các Bộ Ngoại giao để xử lý các tình huống khẩn cấp trên biển, đồng thời thông qua Tuyên bố về thực thi Bộ quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (CUES).

Một số cơ hội hợp tác mới xuất hiện, hướng đến thúc đẩy kết nối và phát triển bền vững trên biển. Ngày 13/11/2017, ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bốvề Thập kỷ bảo vệ Môi trường Biển và Ven biển ở Biển Đông. Nếu được thực thi nghiêm túc, Tuyên bố là một bước đi đúng hướng, góp phần bảo tồn "di sản chung" cho nhân loại và "nguồn tài nguyên biển" cho các thế hệ tương lai.

Tháng 6/2017, Trung Quốc cũng công bố Tầm nhìn mới cho Hợp tác trên biển trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, trong đó nhấn mạnh 5 định hướng: Phát triển xanh thông qua bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển; Phát triển kinh tế đại dương; Bảo đảm an ninh biển; Phát triển sáng tạo và quản trị chung.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Tokyo tháng 11/2017, Nhật và Mỹ ký thoả thuận để cung cấp các nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (CEO Summit) tại Đà Nẵng, Tổng Thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định cam kết của Mỹ với khu vực với Tầm nhìn "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở" hướng đến bảo vệ hoà bình và thịnh vượng cho một khu vực rộng lớn.

Hạ nhiệt vẫn âm ỉ sốt

“Từ góc độ hệ thống, trật tự trên biển bị xói mòn do luật pháp quốc tế vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Việc phán quyết của Toà trọng tài ngày 12/7/2017 không được tôn trọng đe doạ tính toàn vẹn của Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển”, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh.

{keywords}
Khi "lòng tin chiến lược" tiếp tục sa sút, nguy cơ "quân sự hoá Biển Đông" vẫn là điều đáng quan ngại nhất

Ở góc độ khu vực, những nỗ lực nhằm quản lý tranh chấp vẫn mang tính "đối phó" và "chắp vá". Nói cách khác, vẫn còn rất ít nỗ lực hướng đến giải quyết triệt để các yêu sách đối lập nhau, từ đó triệt tiêu các động lực chính dẫn đến sự phát triển phức tạp của tình hình.

Một nghịch lý là mặc dù có nhiều sáng kiến hợp tác, nhưng kết quả thực chất lại hết sức hạn chế. Các bên, trước hết là các bên tranh chấp, bằng cách này hay cách khác đều bày tỏ mong muốn đối thoại và hợp tác nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho quản lý và giải quyết tranh chấp. Nhưng sự thiếu hụt lòng tin đã cản trở việc thực thi hiệu quả các sáng kiến này. Thực tế đó cho thấy các hoạt động xây dựng lòng tin cần được thực hiện một cách liên tục và kiên trì.

Khi "lòng tin chiến lược" tiếp tục sa sút, nguy cơ "quân sự hoá Biển Đông" vẫn là điều đáng quan ngại nhất bởi hạ tầng trên các đảo nhân tạo trong trạng thái sẵn sàng để triển khai một lực lượng quân sự lớn có khả năng thay đổi cơ bản cán cân sức mạnh ở Trường Sa và trên các vùng biển lân cận cũng như tạo ra khả năng va chạm, thậm chí xung đột.

Trong khi CUEs được áp dụng cho hải quân, vẫn chưa có cơ chế nào để điều chỉnh, quản lý hoạt động của các lực lượng chấp pháp và dân sự. Đây là nguồn gốc chính của nhiều va chạm nghiêm trọng trên biển trong suốt một thập kỷ qua. Nếu không có cơ chế để quản lý, kiểm soát các lực lượng này, rủi ro bùng nổ xung đột, leo thang tranh chấp là rất cao.

PGS. TS. Nguyễn Vũ Tùng khẳng định, những diễn biến trong năm qua và bức tranh tình hình có thể thấy là ngày càng phức tạp ở Biển Đông trong năm tới đòi hỏi phải có những giải pháp toàn diện, lâu dài và bền vững hơn để ngăn chặn vấn đề Biển Đông trở nên trầm trọng, từ đo đe doạ "hệ sinh thái an ninh" của toàn khu vực.

Bảo Đức - Diệu Thúy