- Nói với dân chúng về Biển Đông, dân sẽ tin hơn vào những gì Chính phủ đã làm - ĐBQH Dương Trung Quốc nói.

>> Cố là tiếng nói độc lập

Sáng thứ 7, 6/8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, các giải pháp cho 6 tháng cuối năm. ĐBQH các khóa 11, 12 Dương Trung Quốc là người thứ 17 phát biểu. Nhà sử học nói đến vấn đề hệ trọng - Biển Đông, mà theo ông, "chưa được Chính phủ quan tâm đúng mức xét từ khía cạnh quan tâm đến lòng tin của dân".

Ông mở đầu bằng nhận xét khía cạnh tích cực về việc nhiều thành viên của Chính phủ khóa này "hóa thân vào Quốc hội":
Một Nhà nước vì dân càng phải quan tâm đến lòng tin của dân

Với kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII này, chúng ta được chứng kiến một hiện tượng hy hữu trong lịch sử Quốc hội, một vị Phó Thủ tướng thường trực trình bày bản báo cáo của Chính phủ ở đầu kỳ họp lại trở thành Chủ tịch Quốc hội chủ trì giám sát ngay chính bản báo cáo của mình. Lần đầu tiên có một nhà hành pháp lại trở thành nhà lập pháp và hơn thế nữa chúng ta cũng chứng kiến nhiều thành viên của Chính phủ lại hóa thân vào Quốc hội.

Ông Dương Trung Quốc: Tại sao phải là đại biểu Quốc hội mới có thể dự một phiên họp kín để được nghe những thông tin mà theo tôi nếu để dân biết thì tốt biết bao nhiêu? 

Tôi muốn nhìn nhận khía cạnh tích cực này của hiện tượng là người tham gia hoạt động cũng rất lâu năm trong Chính phủ, ở vào những vị trí then chốt nhất của Chính phủ, hiểu rõ chân tơ, kẽ tóc của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội biết được tất cả những chỗ mạnh, chỗ yếu của Chính phủ, từng chịu trách nhiệm về những hoạt động của Chính phủ sẽ thực thi trách nhiệm cùng Quốc hội giám sát Chính phủ chặt chẽ hơn. Giám sát hiểu theo nghĩa là sẽ phát hiện được những yếu kém để điều chỉnh hoạt động hành pháp của Chính phủ, cũng như với vai trò lập pháp sẽ tạo những hành lang pháp lý chuẩn xác thuận lợi góp phần cho Chính phủ thực thi hiệu quả trách nhiệm hành pháp của mình, đó là hy vọng của tôi và của nhiều cử tri.

Tôi cũng mong muốn báo cáo của Chính phủ bên cạnh những đánh giá chủ yếu về kinh tế, một lĩnh vực rất quan trọng nhưng cũng nên quan tâm nhiều hơn đến một lĩnh vực không kém phần quan trọng là những đánh giá về vấn đề xã hội. Các vấn đề xã hội không chỉ là chính sách an sinh, con số thống kê thu nhập giàu, nghèo, tệ nạn, tai nạn v.v... mà còn về lòng tin của dân.

Nếu đánh giá về kinh tế có thể biểu thị được bằng con số định lượng như GDP, chỉ tiêu sản lượng v.v... thì cũng nên đánh giá chỉ tiêu về lòng tin của dân đối với Chính phủ. Những phương pháp điều tra thống kê hiện đại có thể làm được điều này, thế giới họ làm nhiều rồi, một Nhà nước của dân, vì dân càng phải quan tâm đến lòng tin của dân. Chúng ta cũng không nên nghĩ đến chuyện, chúng ta chưa xảy ra như ở Bắc Phi là một điều gì an ủi cả, chúng ta đã có cả một truyền thống đồng thuận giữa dân và Nhà nước, giữa trên với dưới chúng ta phải duy trì cái đó như chính con mắt, con ngươi của mình để tồn tại và phát triển.

Tôi xin đưa ra một ví dụ để làm rõ quan điểm của tôi cũng là đề cập đến một vấn đề hệ trọng chưa được Chính phủ quan tâm đúng mức xét từ khía cạnh quan tâm đến lòng tin của dân, đó là vấn đề Biển Đông.

Không thể không thừa nhận rằng vấn đề Biển Đông, trong đó có cả vấn đề bảo vệ chủ quyền cũng như vấn đề phát triển quốc gia lâu dài là một vấn đề nổi bật. Sự tranh chấp, sự đe dọa, sự không ổn định là vấn đề không chỉ các nước có liên quan mà cả thế giới quan tâm. Vậy mà báo cáo Chính phủ tuy có đề cập thể hiện quan điểm mang tính nguyên tắc của Nhà nước nhưng rõ ràng chưa thể hiện đúng mức. Chúng ta không thổi phồng, không kích động, không gây hoang mang, nhưng không thể coi đó là chuyện bình thường được. Nó phải được thể hiện trong báo cáo của Chính phủ đúng tầm mức của nó, được phản ánh trong chương trình nghị sự Quốc hội đúng tầm mức của nó để nhân dân tin tưởng, để nhân dân thông suốt.

'Đừng tạo khoảng cách, xung đột không đáng có'

Ngay chương trình làm việc ban đầu của Quốc hội hầu như không có vấn đề gì xảy ra trên Biển Đông cả, phải đến lúc dư luận xã hội và đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội mới đưa vào chương trình một buổi báo cáo không đầy 1 tiếng đồng hồ và không thảo luận.

Tôi xin bày tỏ điều tôi suy nghĩ về nội dung của báo cáo đó và tôi đã nói với Bộ trưởng Ngoại giao ý kiến của tôi rằng: Trừ một vài nội dung chi tiết, còn về căn bản nếu những nội dung báo cáo đó được trình bày cho dân chúng thì chỉ có tốt trở lên, dân sẽ tin hơn vào những gì Chính phủ đã làm. Nó làm sáng tỏ phần nào những băn khoăn, những trăn trở của dân, quan trọng hơn là sự ủng hộ của dân được tổ chức, được huy động có hiệu quả.

Cái gì cần tế nhị trong quan hệ ngoại giao ta phải giữ, nhưng với dân không cần sự tế nhị mà cần đến sự tin cậy và thẳng thắn. Cái gì cần mềm mỏng với ngoại giao thì cũng cần mềm mỏng với nội giao. Đừng tạo ra những khoảng cách, những xung đột không đáng có giữa Chính phủ và nhân dân cho dù sự cảnh giác là cần thiết.

Tôi muốn đưa ra một ví dụ mà bây giờ đã trở thành dư luận quan tâm, như văn bản của Thủ tướng Chính phủ cách đây một nửa thế kỷ, chúng tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có đầy đủ luận điểm để phản bác nó, chúng ta cũng chứng kiến sự thật là rất nhiều văn bản này đã được lưu truyền trong dân, đã được đưa lên mạng và đang trở thành một công cụ để những thế lực bên ngoài tác động vào chúng ta. Nhưng ngay trong bản báo cáo Quốc hội của Bộ Ngoại giao cũng không hề đề cập tới. Phải chăng chúng ta chỉ quan tâm đến màn hội nghị mà chúng ta không quan tâm đến lòng dân?

Là người làm nghề sử, tôi muốn nhắc lại một sự kiện cách đây đã 65 năm. Đầu năm 1946, khi cần đối phó với một tình huống ngàn cân treo trên sợi tóc liên quan đến vận mệnh của Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi một nước cờ táo bạo một cách sáng suốt là Ký hiệp định sơ bộ 16/3. Thấy nước cờ đấy dân chưa hiểu, thắc mắc, hoang mang, chính quyền cách mạng tổ chức cả một cuộc biểu tình có hàng vạn người tham gia tại quảng trường Nhà hát Lớn, hình ảnh hiện nay vẫn còn để nguyên vẹn. Cho thấy dân quan tâm đến việc nước như thế nào, có cả dân quê, có cả anh phu xe, công chức, thợ thuyền, trí thức v.v... Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp giải thích cả mấy tiếng đồng hồ, Chủ tịch nước đứng trước quốc dân nói rằng đồng bào hãy tin tưởng Hồ Chí Minh không bao giờ bán nước.

Học tập Bác Hồ, nên nhớ cách ứng xử với dân của Bác khi vận nước khó khăn. Cho dù thời đại có nhiều thay đổi, mọi so sánh có thể khập khiễng thì nguyên lý "dân biết dân mới làm" và dân có điều kiện kiểm tra Chính phủ là chuyện của muôn đời. Tại sao phải là đại biểu Quốc hội mới có thể dự một phiên họp kín để được nghe những thông tin mà theo tôi nếu để dân biết thì tốt biết bao nhiêu? Tôi tin rằng dân sẽ tin, còn người ngoài có tin hay không đó là điều thứ yếu.

Tôi nghĩ rằng kỳ họp Quốc hội này chúng ta nên có một hành động, nếu không phải là một nghị quyết riêng thì nên nêu trong nghị quyết chung của kỳ họp nói rõ được quan điểm của chúng ta, lập trường của chúng ta và sự ủng hộ của chúng ta đối với Chính phủ. Điều đó sẽ mang lại hiệu quả tích cực vào trong sự ủng hộ đồng thuận, ủng hộ của người dân.

Hướng ra Biển Đông, luôn quan tâm đến đất liền

Thưa Quốc hội, hướng ra Biển Đông nhưng cũng phải luôn quan tâm đến đất liền, trong đó có nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta muốn giữ được chủ quyền chính trị thì phải giữ được chủ quyền kinh tế. Tại kỳ họp cuối cùng của khóa trước tôi đã đặt câu hỏi chất vấn Chính phủ rằng nền kinh tế của ta bên cạnh việc khai thác có hiệu quả những nguồn lực nước ngoài thông qua việc phát triển những mối quan hệ hợp tác nhưng có lành mạnh không, có bị lệ thuộc không? Biết bao nhiêu vấn đề đã được nêu lên ngay trong Quốc hội với những định lượng rất đáng lo lắng về những khả năng bị lệ thuộc đặc biệt với Trung Quốc cần được quan tâm để điều chỉnh vì chưa thấy những dấu hiệu tích cực thay đổi.

Nêu vấn đề có vẻ tế nhị này nhưng phải trên nguyên tắc "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", còn thiên hạ thì bao giờ cũng quan tâm đến lợi ích, lợi ích kinh tế, kể cả lợi ích chính trị bằng mọi giá. Tại sao nông dân trồng vải đến vụ thu hoạch mà các cơ quan quản lý doanh nghiệp Nhà nước vẫn đóng cửa im ỉm như một phóng sự đã phản ánh trong khi thương lái nước ngoài tung hoành và thật sự họ đã trở thành cứu cánh cho người dân? Đấy mới là quả vải bé nhỏ, cần nhìn vào nhiều công trình thắng thầu, nhiều dòng chảy hàng hóa và tình trạng nhập siêu là tiêu biểu nhất đủ thấy nhiều thông điệp đáng lo ngại.

Cuối cùng, chúng tôi với tư cách là một thành viên của đoàn Đồng Nai là một đại biểu Quốc hội đã đưa vào chương trình bầu cử của mình về con đường 20, chúng tôi lắng nghe ý kiến của TKV, nhưng chúng tôi cũng tự hỏi nếu chúng ta đã nói tình trạng ít hiểu biết về sử thì như chúng ta ít hiểu biết về toán, đến giữa tháng 8 này chúng ta mới bắt đầu trình văn bản mà chúng ta làm sao cuối năm nay có thể lưu thông cho con đường đi được.

Các chiến sĩ cảnh sát giao thông của tỉnh Đồng Nai đặt câu hỏi: Nếu một chiếc xe 40 tấn đi ngang qua một cây cầu 25 tấn liệu có cho đi qua không? Đây chúng tôi nghĩ không phải là vấn đề kinh tế mà chính là vấn đề kỷ cương mà trong đó Quốc hội phải chịu trách nhiệm. Vì chúng ta đã thông qua nghị quyết ủng hộ cho việc xây dựng công trình bô-xít mà chúng ta không quan tâm đến khả năng bô-xít đã được di chuyển như thế nào, tạo ra những tình huống khó xử như thế này. Xin cảm ơn Quốc hội.

H.Anh ghi - Ảnh: Lê Anh Dũng
(Tiêu đề nhỏ do VietNamNet đặt)


'Đừng tạo khoảng cách với dân'
Với dân, không cần sự tế nhị mà cần tin cậy, thẳng thắn. Đừng tạo những khoảng cách không đáng có giữa Chính phủ với dân - ĐB Dương Trung Quốc nói trong phiên thảo luận sáng nay.
 

Để dân có điều kiện thể hiện lòng yêu nước
Mong Chính phủ sớm tạo các vành đai kinh tế vững chắc tại các vùng biển đảo để dân có điều kiện thể hiện lòng yêu nước bằng cách bám biển... - ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) nói.
 

Sửa Hiến pháp: Giải mã 'quyền lực nhà nước thuộc về dân'
Thảo luận về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp và lập UB dự thảo sửa đổi, các ĐBQH đề nghị làm rõ tư tưởng "quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân".