Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thông báo, bộ phận không khí lạnh mạnh ở phía Bắc đã báo đang di chuyển xuống phía Nam.
Dự báo khoảng gần sáng và ngày 16/12, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ. Gió trong đất liền chuyển hướng Đông Bắc mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7.
Trong đợt không khí lạnh này, từ gần sáng 16/12, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh, riêng vịnh Bắc Bộ sóng biển cao 2,0-4,0m.
Đáng lưu ý, từ chiều tối 16/12, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và khu vực Giữa Biển Đông có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động mạnh.
Từ đêm 16/12, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 3,0-5,0m, biển động.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.Theo đó, nếu xảy ra bão, áp thấp tàu cá có thể bị thủng vỏ, hỏng máy gây thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó do điều kiện sinh hoạt, lao động trên biển còn khó khăn, thiếu các trang thiết bị đảm bảo an toàn nên ngư dân thường gặp phải các tai nạn lao động, các bệnh cấp tính….
Để bà con ngư dân ứng phó với thiên tai, sự cố, tai nạn trên biển đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến ra khơi, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã có một loạt những lưu ý.
Đầu tiên, đơn vị này lưu ý các phương tiện cần chú trọng trang bị các trang thiết bị thông tin cần thiết, bởi đó chính là sự sống còn của những người đi biển mỗi khi phương tiện gặp sự cố cần sự trợ giúp.
Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng theo chiều hướng xấu như hiện nay, thời tiết ngày càng trở nên khó lường. Hệ thống thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an toàn an ninh mỗi khi tàu ra khơi.
Thứ hai, để giảm thiểu tai nạn hàng hải, thuyền viên cần quan tâm đến thời tiết hàng ngày và cấp gió trên biển. Đây chính là thông tin quan trọng với người đi biển và cũng là điều quan tâm hàng đầu của thuyền trưởng trước mỗi hành trình.
Thứ ba, Ngư dân cần chủ động bật máy thu tự động, chuyên dụng thông tin dự báo, để thường xuyên lắng nghe các thông tin về cảnh báo thiên tai như bão, áp thấp, thời tiết nguy hiểm, gió mùa…hoặc các bản tin thời tiết biển hàng ngày để có thể đề phòng, chủ động tránh trú hay tìm cách xử lý hiệu quả khi gặp thời tiết bất thường.
Các bản tin này đều được Hệ thống đài thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam cập nhật và phát trên tần số 7906 kHz và 8294kHz. Đặc biệt, trong trường hợp có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, bản tin cảnh báo sẽ được phát liên tục trong ngày với khoảng cách 15 phút/phiên trên tần số 7906 kHz.
Thứ 4, nếu tàu gặp thời tiết xấu người điều khiển tàu thuyền cần thông báo cho tất cả các thuyền viên trên tàu tăng cường chằng buộc các trang thiết bị, hàng hóa (nhất là các vật dễ di dộng trên boong và dưới máy tàu).
Sau đó, cần tăng cường ca kíp để đảm bảo độ an toàn hoạt động của các thiết bị trên tàu. Chú ý cảnh giới, bảo đảm an toàn hoạt động của tàu, trong đó có việc duy trì máy chính an toàn; Tăng độ ổn định tàu và làm giảm tối đa mặt thoáng các két; Giảm máy và đề phòng máy bị quá tải, vượt tốc. Đồng thời, cần tránh trường hợp chân vịt bị quay trên không. Nếu gặp thời tiết quá xấu, cần thay đổi hướng hành trình thích hợp để giảm bớt sự va đập giữa tàu với sóng…
Khi gặp bão, nên đổi hướng để tránh bão, có thể thả trôi hay dừng máy, thậm chí có thể quay trở lại để tránh xa tâm bão. Khi gặp gió mùa mạnh nên giảm máy, chọn hướng đi thích hợp để giảm lắc cho tàu, chờ cơn gió mùa mạnh tràn qua sau đó mới tăng dần tốc độ.
Đặc biệt, khi gặp sự cố trên biển, ngư dân hãy gọi đến dài thông tin duyên hải gần nhất thông qua Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam cũng như với các cơ quan ban ngành liên quan sớm nhất.