Trung Quốc không tìm kiếm xung đột ở Biển Đông. Thực tế, vẫn có tín hiệu lạc quan.
Trong nhiều tuần qua, thái độ quả quyết của Trung Quốc với Phippines xung quanh đảo Hoàng Nham (mà Philippines gọi là bãi cạn Panatag) ở Biển Đông đã tạo ra mối lo ngại lớn ở châu Á và xa hơn nữa. Với tình hình căng thẳng trong khu vực, hoàn toàn có lý do để hiểu rằng, cuộc tranh chấp lãnh thổ này có thể dẫn tới sự xuống dốc trong quan hệ hai nước.
Tuy nhiên, có ít bằng chứng cho thấy Bắc Kinh tích cực theo đuổi một kết quả như thế. Ngược lại, thậm chí là ở Biển Đông - một điểm nóng tranh chấp (mà giới phân tích còn đề cập có thể là ngòi nổ cho cuộc xung đột châu Á) - vẫn có tín hiệu lạc quan.
Rõ ràng là Bắc Kinh đã sử dụng những biện pháp thẳng thừng hơn với Manila. Nhưng mục đích những hành động như vậy không phải là kích động xung đột quân sự, mà thiên về việc gây áp lực để Philippines đàm phán về tình trạng lãnh thổ ở các vùng tranh chấp. Để cho rõ ràng, Bắc Kinh thể hiện quan điểm hoàn toàn không từ bỏ các yêu sách chủ quyền trong khu vực.
Đã gần hai thập niên trôi qua kể từ cuộc đụng chạm quân sự cuối cùng (dù nhỏ) giữa Trung Quốc và Philippines trong khu vực hàng hải này. Thêm vào đó, ở giai đoạn tương đối yên bình, Trung Quốc đã ký vào Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 - trong đó quy định bổn phận của Trung Quốc (và các bên ký kết khác) chỉ sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết bất đồng. Nhiều người cho rằng, dù hành xử của Trung Quốc có quả quyết hơn trước, thì xu thế chung trong tiếp cận của Bắc Kinh là thiên về hợp tác hơn xung đột.
Trong khi rất nhiều nhà quan sát hoài nghi về thỏa thuận năm 2002 thì ngay cả người phê bình nó cũng thừa nhận rằng, Trung Quốc chưa trực tiếp vi phạm khía cạnh nào trong thỏa thuận. Điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không bao giờ làm thế hoặc mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp ở Biển Đông. Nhưng dù sao, nó cũng cho thấy tình hình hiện tại trong khu vực chứa đựng những bằng chứng ổn định.
Bắc Kinh chỉ có thể có hành động khiêu khích hơn nếu giới lãnh đạo cảm thấy bị khiêu khích trực tiếp. Cho dù căng thẳng leo thang hiện tại khiến châu Á lo ngại, thì cũng khó tìm ra được đấu hiệu của một mối đe dọa. Thiếu vắng một chất xúc tác, Trung Quốc sẽ không vứt bỏ các cam kết đưa ra ở Biển Đông thiên về việc sử dụng trực tiếp lực lượng quân sự cho các yêu sách chủ quyền ở những vùng lãnh thổ tranh chấp.
Thú vị hơn là sự “xuống giọng” ít nhiều tại Bắc Kinh có thể nhìn thấy hiện tại. Ví dụ, chiến dịch truyền thông của Trung Quốc chống lại Philippines đã không còn ầm ĩ như vài tuần trước đây. Bắc Kinh cũng giảm bớt những cảnh báo về sự giới hạn của lòng kiên nhẫn hay khuyến cáo những người chơi khác biết rõ vị trí của mình.
Nói rộng hơn, có một số nhân tố đang làm giảm bớt khả năng leo thang của một cuộc xung đột.
Đầu tiên, đã có một số người ở ngay Trung Quốc đã cảm thấy rằng, chính sách Biển Đông hiện tại của Bắc Kinh không còn hiệu quả và khả thi. Cùng trong quan điểm ấy, bắt đầu xuất hiện những tranh luận về nỗ lực cấp quốc gia để phối hợp và tương tác những phần khách nhau trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Hơn thế nữa, một số nhà phân tích Trung Quốc thậm chí còn chắc rằng, các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông có thể gây thiệt hại đáng kể cái mà họ cảm nhận là “thời kỳ cơ hội chiến lược” của Trung Quốc trong khu vực.
Thứ hai và quan trọng hơn, là không chắc bất kỳ sáng kiến chính sách lớn nào sẽ được công bố trước đại hội đảng của Trung Quốc diễn ra mùa thu này. Các giai đoạn chuyển giao lãnh đạo hiếm khi tạo ra sự thay đổi táo bạo trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Hơn nữa, các trường hợp của Bạc Hy Lai và nhà hoạt động Trần Quang Thành vẫn còn tiếng vang ở Trung Quốc, khó có khả năng Bắc Kinh dám mạo hiểm trong cách cư xử với thế giới bên ngoài. Một bầu không khí bất ổn, một cuộc chiến với một trong những nước láng giềng sẽ chỉ làm tình hình thêm trầm trọng và khiến vị trí của tầng lớp lãnh đạo trở nên bấp bênh hơn.
Tóm lại, khó có thể hình dung sự leo thang căng thẳng hơn nữa giữa Trung Quốc và Philippines. Và, mặc dù sự ổn định hơn nữa là điều khó xảy ra trong ngắn hạn, thì triển vọng của cuộc xung đột quân sự cũng còn ở khá xa.
Thái An (theo Diplomat)