Tham lãi cao

Báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) mới đây cho thấy, tốc độ phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7/2020 đã giảm so với tháng trước. Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 7/2020 đạt 26.945 tỷ đồng, giảm 41% so với tháng 6. Trong đó, có 19.944 tỷ đồng phát hành riêng lẻ, giảm 56,4% so với tháng trước và 7.000 tỷ đồng phát hành ra công chúng.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công đạt 196.500 tỷ đồng, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 179.500 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.

{keywords}
Lãi suất cao, nhiều nhà đầu tư chuyển từ gửi tiết kiệm sang mua trái phiếu doanh nghiệp

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp cũng giảm so với trước. Theo Công ty Chứng khoán SSI, lãi suất phát hành bình quân của nhóm bất động sản trong quý 2/2020 là 10,42%/năm, giảm so với mức 10,77%/năm của quý 1/2020. Nếu không tính trái phiếu ngân hàng (do lãi suất thấp) thì lãi suất bình quân chung trong quý 2 là 10,27%, giảm 14% so với quý trước, về mức tương đương với nửa cuối năm 2019. Nguyên nhân là do lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm.

Sự sụt giảm nhu cầu đối với trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 7 được cho là bởi Bộ Tài chính liên tục phát đi cảnh báo rủi ro, khiến tâm lý nhà đầu tư có phần thận trọng hơn. Đồng thời, dịch Covid-19 tái phát khiến nhu cầu nắm giữ tiền mặt tăng lên để phòng ngừa rủi ro.

Mặc dù vậy, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán tại Hà Nội, mức độ quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân đến trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn. Mỗi ngày có hàng trăm lượt đăng ký để được tư vấn qua các kênh trực tuyến, qua tổng đài công ty cũng như trực tiếp qua kênh môi giới. 

Hiện trái phiếu doanh nghiệp có lãi sất cao hơn hẳn lãi suất tiết kiệm ngân hàng, từ 1-3%/năm. Chưa kể, yếu tố thanh khoản cũng được hỗ trợ do đơn vị phân phối cam kết sẽ mua lại, hoặc làm trung gian thu xếp khi nhà đầu tư có nhu cầu thoái vốn.

Nhiều nhà đầu tư cá nhân cho hay ngoài lãi suất cao, thấy ngân hàng là đơn vị phát hành nên khá tin tưởng và chuyển gửi từ tiết kiệm sang.

Chị Nguyễn Hồng Thịnh, trú tại nhà E 5, khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Hà Nội), kể rằng, chị vừa đến kỳ tất toán tiền gửi tiết kiệm, nếu gửi ngân hàng tiếp lãi suất tại quầy cao nhất chỉ được 6,6%/năm cho kỳ hạn trên 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Nhưng nếu chọn mua trái phiếu của một doanh nghiệp bất động sản, đang được ngân hàng này phân phối, thì lãi suất lên đến 9,1%/năm cho kỳ hạn từ 6-12 tháng và 10,45%/năm cho kỳ hạn từ 12-24 tháng. Thấy lãi suất cao hơn hẳn và tin tưởng ngân hàng sẽ mua lại trái phiếu khi cần bán, chị Thịnh đồng ý chuyển số tiền hơn 500 triệu đồng sang mua trái phiếu doanh nghiệp.

{keywords}
Rủi ro đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng cao 

Cảnh báo rủi ro

Một ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ tại Hà Nội đang phát hành trái phiếu của 1 doanh nghiệp bất động sản, có lãi suất 11%/năm kỳ hạn 24 tháng. Tổng giá trị đợt phát hành này là 300 tỷ đồng, thanh toán lãi 6 tháng/lần và gốc sẽ trả khi đáo hạn. Mệnh giá tối thiểu nhà đầu tư mua là 1 tỷ đồng, nhân viên tại ngân hàng này tiết lộ chỉ sau ngày đầu tiên phát hành đã huy động được 100 tỷ đồng. Đây chủ yếu là cá nhân chuyển từ gửi tiết kiệm sang.

Theo số liệu của HNX, 7 tháng đầu năm nay, riêng doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trên 47.646 tỷ đồng trái phiếu, trong số đó khoảng một nửa được các nhà đầu tư cá nhân mua. Nhiều DN bất động sản cố tình chia nhỏ các đợt phát hành riêng lẻ, kéo dài thời gian phát hành mỗi đợt để “dụ” nhà đầu tư cá nhân.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch Covid-19 vẫn đang bùng phát khiến rủi ro trái phiếu doanh nghiệp càng tăng cao. Giả sử một DN phát hành trái phiếu xong, gặp khó khăn, dẫn đến phá sản, rất dễ gây phản ứng dây chuyền, tạo nên bất ổn cho nền kinh tế.

Nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp do tin tưởng ngân hàng đứng ra phát hành là rất ngây thơ. Bởi, ngân hàng chỉ là đơn vị phân phối, không hề chịu ràng buộc trách nhiệm nào nếu rủi ro xảy ra. Ngay cả khi có cam kết mua lại trái phiếu, khi nhà đầu tư muốn thoái vốn sớm cũng phải hết sức thận trọng. Các ngân hàng không thể thực hiện được cam kết mua lại trái phiếu doanh nghiệp gặp rủi do, vì phải đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn tài chính.

Kể cả khi ngân hàng có mua lại thì mức phí nhà đầu tư phải chịu khi bán trái phiếu doanh nghiệp trước hạn có thể ăn mòn hết phần chênh lệch lãi suất so với gửi tiết kiệm.

Việc “chặn” nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu sơ cấp là rất cần thiết vì rủi ro đang quá lớn, còn nhà đầu tư cá nhân hầu như không có khả năng phân tích, đánh giá rủi ro.

Từ ngày 1/9/2020, Nghị định 81 chính thức có hiệu lực sẽ tạo khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn đối với các DN phát hành trái phiếu riêng lẻ. Các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ giảm mạnh, DN chủ yếu sẽ phải chuyển qua phát hành ra công chúng.

Tuy vậy, giới chuyên môn khẳng định, thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn rất sôi động bởi chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi vẫn khá cao, nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn đổ tiền vào. Số lượng các Quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang gia tăng đáng kể để làm trung gian phân phối.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, DN phải tuân thủ nguyên tắc công bố thông tin cho tất cả công chúng đầu tư, làm thủ tục đăng ký chào bán và phải được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào.

Còn với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, DN chỉ cần đáp ứng điều kiện phát hành, công bố thông tin trực tiếp cho đối tượng mua trái phiếu, đồng thời công bố thông tin cho Sở GDCK Hà Nội mà không cần cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Theo thông lệ thì trái phiếu DN phát hành riêng lẻ, chỉ phù hợp với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, có khả năng phân tích và đánh giá rủi ro.

Trần Thủy