LTS: Vừa qua việc TQ đưa tên lửa đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được đánh giá là bước leo thang quân sự hoá mạnh mẽ, làm dấy lên quan ngại gia tăng bất ổn tại khu vực.
Liệu TQ sẽ còn những hành động gì tiếp theo và xa hơn là một vài thập kỷ tới. Loạt bài phỏng vấn các học giả quốc tế do Tuần Việt Nam tổ chức cố gắng đưa ra những phân tích, dự báo xung quanh vấn đề này.
Bàn cờ biển Đông – bài 2: Trung Quốc tổn thất lớn
>> Xem lại bài 1: TQ dồn sức mạnh quân sự biến Biển Đông thành ao nhà
Năm 2015, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để giải quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc (TQ) về vấn đề tranh chấp biển Đông.
Trong một bài viết trên trang The Diplomat, giáo sư James Kraska, chuyên gia chính sách và luật biển tại Trung tâm nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton - ĐH Hải chiến Mỹ, nhận định sự kiện này cho thấy Philippines bước đầu có những thuận lợi, trong khi TQ đã thua trong vấn đề quy chế vùng biển ở giai đoạn xem xét thẩm quyền của tòa trọng tài. Ông dự báo chính quyền Bắc Kinh còn sắp sửa thua trong các vấn đề thuộc nội dung thực chất của vụ việc do các yếu tố địa chất và địa lý của các thực thể tranh chấp.
Năm 2016 và những năm tiếp theo, trước nhu cầu giải quyết các tranh chấp vốn đang rất căng thẳng tại Biển Đông, mặt trận pháp lý hứa hẹn sẽ “sôi động”. Nói về “một giải pháp khả dĩ bằng pháp lý cho Biển Đông”, giáo sư James Kraska cho rằng có rất ít triển vọng để có được một giải pháp tức thời hiệu quả. Tuy nhiên TQ cũng gặp phải những tổn thất lớn, bị cô lập trong khu vực, và điều đó có thể dẫn đến sự thay đổi cục diện trong tương lai.
Giáo sư James Kraska |
TQ sẽ chịu tổn thất lớn
Kể từ năm 2013, TQ gia tăng các hành động gây hấn, khiêu khích và vi phạm luật quốc tế làm gia tăng căng thẳng tại khu vực biển Đông. Trong đó phải kể đến sự kiện Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 vào khoan trong vùng biển Việt Nam, và xây đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như liên tục đâm, cướp tàu cá của Việt Nam từ nhiều năm nay. Giới quan sát cảnh báo TQ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiện diện quân sự và leo thang căng thẳng bất chấp dư luận quốc tế phản đối. Phải chăng không có giải pháp nào về mặt pháp lý để giải quyết tình trạng nêu trên?
GS James Kraska: Theo quan điểm của cá nhân tôi, dưới thời lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, TQ sẽ không bị chế ngự. Thật sự có rất ít triển vọng để có được một giải pháp tức thời hiệu quả. Tuy nhiên TQ đang đối diện với tình trạng tự cô lập chính mình (trước các quốc gia khác) trong khu vực, và điều đó có thể dẫn đến sự thay đổi “ván cờ” của TQ.
Cần lưu ý rằng sự thay đổi hành vi của Bắc Kinh có thể sẽ xuất phát từ các nguyên nhân nội tại, ví dụ như một cuộc va chạm hay đấu tranh nội bộ về quyền lực không thể đoán trước trong tương lai.
Năm 2015, PCA khẳng định việc thụ lý và xem xét vụ kiện của Philippines là phù hợp với các quy định của UNCLOS và sự vắng mặt (từ chối tham gia vụ kiện) của chính quyền Bắc Kinh không thể phủ định thẩm quyền xét xử của tòa. Tuy nhiên cho đến hiện tại thì TQ vẫn chưa thay đổi lập trường, nhấn mạnh nhiều lần Bắc Kinh không chấp nhận sự can dự giải quyết từ bất kỳ “bên thứ ba” nào. Theo ông, tiến triển của vụ kiện này như thế nào trong thời gian tới?
Tôi nghĩ trong vụ kiện này TQ sẽ chịu sự tổn thất to lớn, dù rằng đó chỉ là tổn thất mang tính gián tiếp mà thôi. Có thể tòa sẽ đưa ra một quyết định để giới hạn hay hạn chế quy chế vùng biển đối với các thực thể tại quần đảo Trường Sa theo UNCLOS (bao gồm mười thực thể: bãi cạn Hoàng Nham, đá Vành Khăn, bãi Cỏ Mây, đá Xu Bi, đá Ga Ven, đá Ken Nan, đá Tư Nghĩa, đá Gạc Ma, đá Châu Viên, và đá Chữ Thập – PV). Tôi dự đoán quyết định này của tòa sẽ gây bất lợi rất nhiều cho những tuyên bố chủ quyền TQ trong khi tạo ra lợi thế cho các quốc gia còn lại.
Bởi vì TQ (không giống như Việt Nam, Malaysia hay Philippines) không có bất kỳ vùng lãnh thổ có diện tích lớn hay bờ biển nào dọc theo Biển Đông gần với quần đảo Trường Sa. Mặt khác, quyết định của tòa (có thể khiến TQ thua trong vấn đề quy chế vùng biển – PV) sẽ làm tăng thêm cảm giác TQ bị cô lập về vấn đề tranh chấp Biển Đông, nhưng đồng thời có thể sẽ tạo ra động lực để giới lãnh đạo TQ mạnh tay hơn trong việc tìm ra một giải pháp đáng được ghi nhận để Bắc Kinh có thể thoát khỏi mớ bòng bong mà chính họ tạo ra.
Năm 2015, PCA khẳng định việc thụ lý và xem xét vụ kiện của Philippines là phù hợp với các quy định của UNCLOS |
Bắc Kinh không thể thao túng luật quốc tế
Việc TQ nhận thức được và thay đổi những hành động sai lầm tại Biển Đông quả thật không phải dễ dàng vì đó là cả một quá trình kéo dài vài thập kỷ. Vậy trong trường hợp TQ vẫn tiếp tục duy trì lập trường bác bỏ thẩm quyền PCA, liệu nước này sẽ phải đối diện với những thách thức nào?
Những hành động của TQ rõ ràng đã đặt dấu chấm hỏi đầy hoài nghi vào cái mà nước này gọi là “phát triển hòa bình” hay “trỗi dậy hòa bình”. Hầu như tất cả các quốc giá ở châu Á, ngoại trừ Campuchia, Lào và may ra có thêm Thái Lan và Brunei, đều lần lượt lên tiếng và tỏ thái độ phản đối các yêu sách vô lý và các hành động khiêu khích của TQ.
Việc chống lại một TQ bá quyền đang trở thành một xu hướng dường như bắt buộc khi các quốc gia trong khu vực đã bắt đầu rục rịch tái vũ trang, đồng thời tiến hành phát triển quan hệ sâu sắc, chặt chẽ hơn với nhau và với các cường quốc bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản hay ngay cả Ấn Độ. Xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển và TQ không thể đảo ngược “thế cờ” này nếu như vẫn không chịu thay đổi cách hành xử hợp lý và hợp pháp hơn.
Trong dài hạn, nhiều chuyên gia dự báo rằng TQ sẽ phải giải quyết đâu ra đó những tranh chấp với những quốc gia láng giềng. Các nước láng giềng chắc chắc sẽ ngày càng mạnh tay hơn để đối trọng TQ, trong đó không loại trừ sử dụng các công cụ pháp lý và vụ kiện của Philippines là một minh chứng. Theo ông, TQ sẽ có những đối sách mang tính chiến lược nào để ứng phó với những vụ kiện tương tự như vậy (nếu có) trong tương lai?
Theo cá nhân tôi nghĩ, TQ đã, đang và sẽ tiếp tục tìm cách để thiết lập những chuẩn mực mới hay những quy tắc pháp lý mới để phục vụ lợi ích của riêng nước này. Vấn đề ở đây là pháp luật quốc tế phải được tạo ra dựa trên cả cộng đồng quốc tế chứ không đơn giản chỉ do một quốc gia (như TQ) có thể tự quyết định và đơn phương thực hiện được.
Thậm chí ngay trong trường hợp nếu luật quốc tế được được tạo ra bởi một quốc gia, điển hình là tuyên bố của Mỹ về việc mở rộng tuyên bố chủ quyền của Hoa Kỳ đến những vùng đất ngập nước và tài nguyên ngoài khơi của thềm lục địa ngoài (OCS) thông qua tuyên Tuyên bố Truman năm 1945, thì bộ luật này cũng phải được chấp nhận áp dụng bởi tất cả các quốc gia để có thể mang lại sự công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Trong trường hợp của TQ thì không như vậy. Ngay cả khi chúng ta chấp nhận cách giải thích luật của TQ thì nước này cũng không tuân thủ những luật lệ chung, trong khi lại đòi hỏi các quốc gia khác phải làm theo.
Để đối đầu với những yêu sách mang tính bá quyền của TQ, trong dài hạn, GS. James Kraska cho rằng Việt Nam nên có những chuẩn bị chu đáo và hiệu quả để theo đuổi giải pháp giải quyết tranh chấp bằng công cụ luật pháp quốc tế theo UNCLOS như những gì mà Philippines đã và đang thực hiện trong thời gian qua. Đồng quan điểm này, bà Bonnie Glaser, chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington, cho rằng hoạt động tuần tra Biển Đông của Mỹ tại biển Đông không thể thay đổi cách ứng xử của TQ, thế nên việc Việt Nam cân nhắc đến phương án tương tự Philippines là điều cần thiết; hay như việc Việt Nam khiếu nại Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) (đề nghị ICAO chỉnh sửa lại bản đồ hàng không về FIR Tam Á trong đó có ghi dòng chữ tiếng Trung “thành phố Tam Sa – TQ” – PV) là một động thái rất tích cực. |
Đỗ Thiện (thực hiện)