Đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 trong các bệnh không lây nhiễm, chỉ sau tim mạch và ung thư. Tuy diễn tiến âm thầm và thường không có triệu chứng, đái tháo đường lại rất nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vậy đâu là cách phòng ngừa những hệ lụy của đái tháo đường?

Việt Nam hiện có khoảng 3,8 triệu người mắc đái tháo đường và con số này dự báo sẽ tăng gấp đôi trong hai thập kỷ tới theo báo cáo của Liên đoàn Đái tháo đường Thế giới (IDF). Đây chỉ mới là bề nổi của “tảng băng” bởi có đến 70% người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán, điều trị hoặc không biết mình mắc bệnh. Điều này dẫn đến việc không theo dõi, kiểm tra, quản lý tốt đường huyết và điều trị kịp thời. Vì vậy, có đến 50% người mắc đái tháo đường tuýp 2 khi nhập viện đã có nhiều biến chứng nặng nề.

Tỷ lệ kiểm soát tốt đường huyết còn rất thấp

Theo một nghiên cứu mới đây, chỉ có 1 trên 3 người mắc đái tháo đường ở Việt Nam kiểm soát tốt mức đường huyết của mình. Đây là thực trạng đáng lo ngại, bởi đường huyết không ổn định, quá cao hoặc quá thấp đều có nguy cơ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, ví dụ như hạ đường huyết hay các biến chứng liên quan đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh.  

{keywords}
 

Hạ đường huyết hay gặp nhất ở những người mắc đái tháo đường đang điều trị bằng một số loại thuốc viên tăng tiết insulin và điều trị bằng insulin. Hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức bình thường và có thể dẫn đến mờ mắt, khó tập trung, suy nghĩ lẫn lộn, nói lắp và buồn ngủ. Đường huyết ở mức thấp quá lâu có thể dẫn đến co giật, hôn mê và đôi khi gây tử vong.

Đái tháo đường còn gây nên hàng loạt các vấn đề sức khỏe như dễ bị nhiễm trùng, xơ vữa động mạch, tổn thương thận, tổn thương thần kinh, tăng nhãn áp gây mù lòa. Thống kê cho thấy gần 70% người mắc đái tháo đường tử vong do biến chứng tim mạch và khoảng 50% người mắc đái tháo đường gặp biến chứng suy thận.

Chưa hết, người mắc đái tháo đường còn có nguy cơ trầm cảm cao gấp 2 lần người bình thường do những áp lực liên quan đến việc điều trị bệnh và kiểm soát đường huyết. Ngược lại, trầm cảm khiến người bệnh không quan tâm, chăm sóc sức khỏe đúng cách, làm đái tháo đường càng trở nên khó kiểm soát và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Chú ý: Kiểm tra đường huyết thường xuyên

Việc kiểm tra đường huyết thường xuyên giúp người mắc đái tháo đường nắm được tình trạng sức khỏe của mình, từ đó có ý thức tuân thủ tốt việc điều trị và điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp để giữ đường huyết ở mức an toàn, tránh nguy cơ phát triển biến chứng. Thông tin về chỉ số đường huyết cũng giúp bác sĩ theo dõi được tình hình bệnh nhân để đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất.

{keywords}
 

Tuy vậy, nhiều người vẫn e ngại khi phải kiểm tra đường huyết thường xuyên. Nguyên nhân là vì phương pháp kiểm tra phổ biến hiện nay bao gồm nhiều thao tác, đòi hỏi người dùng phải chích máu ngón tay gây đau và bất tiện. Hơn nữa, phương pháp này chỉ cung cấp chỉ số đường huyết tại một thời điểm nhất định, ví dụ như chỉ số đường huyết lúc đói chứ không cho biết bức tranh chi tiết về sự thay đổi đường huyết trong ngày.

Thực tế này cho thấy, rất cần có phương thức đo và theo dõi đường huyết đơn giản, thuận tiện hơn, cung cấp nhiều thông tin hữu ích hơn cho cả người mắc đái tháo đường và bác sĩ. Đây sẽ là cơ sở để người bệnh có thể chủ động điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, vận động và bác sĩ có thể đưa ra quyết định điều trị phù hợp để kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường.

Hà Anh (Tổng hợp)