Biên bản vi phạm giao thông là gì?
Biên bản vi phạm giao thông là văn bản ghi nhận lại diễn biến, thời gian, địa điểm, đối tượng thực hiện, trình tự, nội dung,…. của một hành vi vi phạm pháp luật giao thông đã được diễn ra trên thực tiễn. Đây là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt.
Hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể về biên bản vi phạm giao thông. Tuy nhiên, giao thông là một trong những lĩnh vực thuộc quản lý hành chính nhà nước nên có thể coi biên bản vi phạm giao thông là một loại của biên bản vi phạm hành chính.
Biên bản vi phạm hành chính là văn bản ghi nhận lại diễn biến, kết quả của một hoạt động, sự việc vi phạm hành chính đã xảy ra về mặt thời gian, địa điểm, đối tượng tham gia, trình tự, nội dung, kết quả cuối cùng.
Các trường hợp phải lập biên bản vi phạm giao thông
Theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị lập biên bản vi phạm giao thông, bao gồm:
- Tại thời điểm kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông không có hoặc không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ gồm giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
- Vi phạm giao thông không thuộc trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức.
- Vi phạm giao thông khác được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ.
Hiệu lực của biên bản vi phạm giao thông
Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Như vậy, theo quy định nêu trên, thời hạn có hiệu lực của biên bản vi phạm giao thông sẽ thường là 7 ngày, tối đa là 30 ngày đối với những vụ việc có tình tiết phức tạp và tối đa 60 ngày đối với những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng.
Sau khi cơ quan có thẩm quyền đưa ra quyết định xử phạt và quyết định này có hiệu lực, biên bản vi phạm giao thông sẽ hết hiệu lực.
Theo Cartimes
Quá hạn đăng kiểm, chủ xe và tài xế bị phạt nặng đến mức nào?
Việc “quên khuấy” ngày đăng kiểm hoặc vì một lý do nào đó không thể đưa xe đi kiểm định đúng thời hạn sẽ khiến chủ xe và tài xế phải đối diện với tổng mức phạt lên đến 22 triệu đồng.